Hiện nay, trong hoạt động cho vay pháp luật ghi nhận 03 chủ thể có quyền cho vay bao gồm:
(1) Cá nhân: Quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015
Theo đó, cá nhân cho vay với lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.Trường hợp có thỏa thuận trả lãi vay mà không ấn định cụ thể thì mức lãi suất là 10% năm của khoản tiền vay.
Khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả. Trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất:Tiền lãi đã phát sinh này sẽ được tính thêm lãi = (nợ lãi chưa trả) x (<=10%) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc).
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
(2) Ngân hàng: Quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
e) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định thì phải trả lãi thêm cho phần lãi chậm trả theo mức lãi suất do Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Còn trong trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
(3) Công ty tài chính: Quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN
Công ty tài chính là hình thái tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Công ty tài chính chỉ được cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, gồm: Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; Chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; Chi phí sửa chữa nhà ở) đối với khách hàng là cá nhân.
Cần đảm bảo tổng dư nợ đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng). Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật;
Về lãi suất, khách hàng và công ty sẽ có quyền tự thỏa thuận, xong cũng có giới hạn nhất định trong một số trường hợp tương tự điều kiện áp dụng cho Ngân hàng.
Thực tế, ngoài 03 chủ thể có quyền cho vay trên, còn một chủ thể khác cũng có thể thực hiện hoạt động tín dụng cho vay đã được ghi nhận tại Nghị định 222/2013/NĐ-CP, đó là công ty không phải tổ chức tín dụng:
“Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp
2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.”
Với nội dung quy định trên, chúng ta có thể hiểu rằng pháp luật cũng cho phép các công ty không phải là tổ chức tín dụng được quyền cho vay lẫn nhau nhưng lại không đưa quy định giới hạn về lãi suất cho vay, mức cho vay, bảo đảm tiền vay.
Điều chúng ta cần thảo luận ở đây là liệu quy định trên có trái luật không khi mà khoản Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã đưa ra quy định nghiêm cấm đối với quyền hoạt động ngân hàng như sau:
“Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.”.
Cho vay là một trong những hoạt động ngân hàng, cụ thể thuộc nghiệp vụ cấp tín dụng. Do vậy, theo căn cứ trên thì các công ty không phải là tổ chức tín dụng sẽ không được phép thực hiện hoạt động cho vay. Trong khi đó, với quy định tại Nghị định 222/2013/NĐ-CP lại cho phép hoạt động này.
Rất mong nhận được ý kiến của các thành viên Danluat về vấn đề này!
Cập nhật bởi lanbkd ngày 17/09/2019 10:39:33 CH