Quy chế mới về đào tạo cán bộ, công chức, viên chức Tòa án

Chủ đề   RSS   
  • #459117 28/06/2017

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1718 lần


    Quy chế mới về đào tạo cán bộ, công chức, viên chức Tòa án

    Mới đây Tòa án nhân dân tối cao vừa công bố Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân, dự kiến sẽ có hiệu lực áp dụng trong năm 2017 này.

    Theo đó, Quyết định này có 1 số nội dung nổi bật đáng chú ý như sau:

    1. Cấm lợi dụng việc đào tạo vì mục đích vụ lợi

    Nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định về đào tạo, bồi dưỡng vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

    2. Chỉ tiêu công chức, viên chức đi học trong giờ hành chính

    Số lượng công chức, viên chức đi học trong giờ hành chính của mỗi đơn vị trong cùng một thời điểm không vượt quá 20% tổng số biên chế hiện có của đơn vị; đối với hình thức đào tạo tại chức và hình thức đào tạo không tập trung thì không vượt quá 25% tổng số biên chế hiện có của đơn vị.

    3. Điều kiện , tiêu chuẩn để cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo

    - Có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức tốt; chấp hành tốt nội quy cơ quan, có trách nhiệm cao trong công tác, hoàn thành tốt công việc được giao.

    - Thuộc diện được quy hoạch đào tạo ở các trình độ chức danh của đơn vị gắn với nhu cầu công việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    - Có cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo (đối với công chức), gấp 02 lần thời gian đào tạo (đối với viên chức).

    - Không đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật, đình chỉ công tác, đối tượng bị điều tra, thanh tra; trong thời gian thi hành kỷ luật; đang nghỉ theo chế độ chính sách quy định.

    - Có đủ sức khỏe để đảm bảo nhiệm vụ học tập.

    - Đáp ứng đầy đủ yêu cầu của từng khóa đào tạo, bồi dưỡng.

    - Đối với đào tạo Tiến sỹ

    + Có thời gian làm việc ít nhất là 60 tháng (không kể thời gian tập sự, thử việc) trong Tòa án nhân dân kể từ khi có quyết định tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào biên chế chính thức;

    + Có năng lực nghiên cứu thể hiện qua các công trình nghiên cứu theo quy định của BGDĐT;

    + Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm;

    + Có ít nhất 3 năm liền kề năm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định về đánh giá xếp loại công chức, viên chức của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    + Từ 40 tuổi trở xuống tính đến thời điểm có quyết định cử đi học (chỉ áp dụng đối với các trường hợp công chức được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu);

    + Trường hợp có thời gian làm việc từ đủ 36 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) nhưng có 02 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở trở lên hoặc được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 25/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, thì được xem xét cử đi đào tạo.

    ­- Đối với đào tạo Thạc sỹ:

    + Có thời gian làm việc ít nhất là 60 tháng (không kể thời gian tập sự, thử việc) trong Tòa án nhân dân kể từ khi có quyết định tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào biên chế chính thức;

    + Từ 40 tuổi trở xuống tính đến thời điểm có quyết định cử đi học;

    + Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm;

    + Có ít nhất 3 năm liền kề năm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định về đánh giá xếp loại công chức, viên chức của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    + Trường hợp có thời gian làm việc từ đủ 36 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) nhưng có 02 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở trở lên hoặc được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì được xem xét cử đi đào tạo.

    - Đào tạo đại học văn bằng 2:

    + Có thời gian làm việc ít nhất 36 tháng (không kể thời gian tập sự, thử việc) trong Tòa án nhân dân kể từ khi có quyết định tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào biên chế chính thức;

    + Chuyên ngành văn bằng 2 dự kiến đào tạo phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ và vị trí việc làm;

    + Từ 40 tuổi trở xuống tính đến thời điểm có quyết định cử đi học.

    4. Quyền lợi của công chức, viên chức được cử đi học

    - Được đơn vị sử dụng và đơn vị quản lý công chức, viên chức bố trí nghỉ làm việc để đi học, ôn tập theo thông báo của cơ sở đào tạo.

    - Được tiếp nhận trở lại làm việc tại cơ quan, đơn vị và tạo điều kiện để ứng dụng kết quả đào tạo, bồi dưỡng vào công việc chuyên môn.

    - Được cơ quan thanh toán chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của cơ sở đào tạo nếu kết quả học tập từ loại đạt yêu cầu trở lên, bao gồm:

    + Tiền học phí, tiền mua giáo trình của khóa học (không kể tài liệu tham khảo) có hóa đơn của cơ sở đào tạo, lệ phí thi tuyển theo quy định của cơ sở đào tạo;

    + Chi phí đi lại một lần cho một đợt học, nghỉ lễ, Tết theo chế độ quy định (học ở trong nước, ngoài phạm vi tỉnh nơi cơ quan công tác).

    - Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng.

    - Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục.

    - Được hưởng nguyên lương, phụ cấp trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng.

    - Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục và chế độ khác theo quy định của pháp luật nếu được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

    5. Nghĩa vụ của công chức, viên chức được cử đi học

    - Tuân thủ chính sách, pháp luật của Việt Nam và nước cử đến đào tạo, bồi dưỡng, quy định của Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài.

    - Có nghĩa vụ học tập, nghiên cứu, thực tập đúng quy định về thời hạn, cấp học, ngành học và trình độ đào tạo đã được ghi trong quyết định cử đi học.

    - Hằng năm, báo cáo tiến độ và kết quả học tập bằng văn bản về đơn vị sử dụng và đơn vị quản lý công chức (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có thời gian trên 1 năm).

    - Khi kết thúc khoá học, công chức, viên chức phải báo cáo bằng văn bản kết quả học tập, việc chấp hành chính sách, pháp luật, chế độ kỷ luật trong thời gian học tập kèm theo các văn bằng, chứng chỉ (bản sao có chứng thực) và luận văn tốt nghiệp (đối với khóa học có viết luận văn tốt nghiệp) về đơn vị quản lý công chức, viên chức chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc khóa học đối với trường hợp đi học ở trong nước và chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ ngày công chức, viên chức về nước đối với trường hợp đi học ở nước ngoài.

    - Hoàn thành nhiệm vụ học tập theo đúng thời gian và mục tiêu đã được xác định; trường hợp vì lý do khách quan không theo hết khoá học hoặc phải kéo dài thời gian học tập phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị quản lý và sử dụng công chức, viên chức để xem xét, quyết định.

    - Kết thúc chương trình đào tạo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng (đối với công chức), ít nhất gấp 02 lần thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng (đối với viên chức).

    Xem chi tiết tại Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân.

     
    7481 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận