Quay đầu là bờ nghĩa là gì? Người phạm tội tự thú có được pháp luật khoan hồng không?

Chủ đề   RSS   
  • #616885 27/09/2024

    nguyenlinh2207

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (7)
    Số điểm: 89
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Quay đầu là bờ nghĩa là gì? Người phạm tội tự thú có được pháp luật khoan hồng không?

    Câu nói "Quay đầu là bờ" được hiểu là như thế nào? Trường hợp người phạm tội tự thú thì có được pháp luật khoan hồng hay không?

    Quay đầu là bờ nghĩa là gì?

    Câu nói "Quay đầu là bờ" mang ý nghĩa rất sâu sắc về sự giác ngộ và quay về con đường chân chính. Khi một người dám đối mặt với những sai lầm của mình và quyết tâm thay đổi, họ sẽ mở ra cho mình những cơ hội mới hướng tới những giá trị tốt đẹp và một cuộc sống lương thiện hơn.

    Câu nói "Quay đầu là bờ" cũng mang hàm ý về sự nhân văn và lòng khoan dung. Dù cho chúng ta mắc phải sai lầm nhưng vẫn có cơ hội được sửa sai và làm lại từ đầu.

    Vận dụng câu nói trên vào quy định của pháp luật thì hành vi tự thú của người phạm tội cho thấy họ đã nhận thức sâu sắc về hành vi sai trái của mình và chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra. Việc tự thú cho thấy người đó đã có sự thay đổi tích cực trong thái độ, từ một người vi phạm pháp luật trở thành một người biết hối lỗi và mong muốn sửa chữa những sai lầm đã gây ra.

    Người phạm tội tự thú có được pháp luật khoan hồng không?

    Căn cứ theo điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

    Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

    - Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

    ...

    + Người phạm tội tự thú;

    ...

    Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

    Nguyên tắc xử lý

    - Đối với người phạm tội:

    ...

    + Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

    Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;

    ...

    Theo đó, người phạm tội tự thú là một trong những trường hợp được pháp luật khoan hồng. Đồng thời, người phạm tội tự thú cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

    Người phạm tội tự thú có được miễn trách nhiệm hình sự không?

    Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

    Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

    - Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

    + Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

    + Khi có quyết định đại xá.

    - Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

    + Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

    + Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

    + Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

    - Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

    Như vậy, người phạm tội tự thú vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không thuộc trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.

    Người phạm tội tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

    Tóm lại, trong cuộc sống, chúng ta không phải lúc nào cũng hoàn hảo và cũng có thể mắc sai lầm. Quan trọng là bản thân chúng ta dũng cảm nhìn nhận sai lầm của mình và quyết tâm sửa đổi. Câu nói "Quay đầu là bờ" chính là lời nhắc nhở chúng ta về điều đó. Pháp luật Việt Nam không chỉ xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật mà luôn có chính sách khoan hồng cho tất cả những người phạm tội đã thực sự ăn năn hối cải, mong muốn làm lại cuộc đời.
     
    253 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận