Quân pháp bất vị thân là gì? Phân biệt đối xử trong quan hệ lao động được quy định thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612917 18/06/2024

    Quân pháp bất vị thân là gì? Phân biệt đối xử trong quan hệ lao động được quy định thế nào?

    Ý nghĩa câu nói “Quân pháp bất vị thân” là gì? Pháp luật Lao động hiện hành quy định như thế nào về hành vi phân biệt đối xử trong quan hệ lao động?

    Quân pháp bất vị thân có nghĩa là gì?

    “Quân pháp bất vị thân” là câu tục ngữ về truyền thống - đạo lí, được hình thành trên cơ sở sử dụng các yếu tố Hán Việt và ra đời từ thời xa xưa. Có thể hiểu ý nghĩa của “Quân pháp” chính là luật pháp của quốc gia mang tính bắt buộc mà tất cả mọi người trong quốc gia đó đều phải làm theo, tuân thủ theo. Luật pháp của đất nước soạn thảo dựa trên sự phát triển và cơ sở thực tiễn được ban hành để điều chỉnh hành vi xã hội. “Bất vị thân” có nghĩa là không vì tình cảm thân thiết, quan hệ thân thích, không vì vị thế mà làm trái. 

    Theo đó, câu tục ngữ “Quân pháp bất vị thân” ý nói pháp luật của vua không thiên vị ai, không ngoại lệ bản thân, không vì mối quan hệ thân thiết hay tình cảm nào cả. Câu nói này thể hiện tinh thần đề cao pháp luật, đề cao sự công bằng, bình đẳng trong xã hội. Ngoài ra, nó cũng thể hiện tinh thần đề cao công lí, lẽ phải trong cuộc sống. 

    “Quân pháp bất vị thân” muốn nhấn mạnh đến sự công bằng, nghiêm minh của luật pháp. Đây là một nguyên tắc cơ bản để xây dựng lên một nhà nước pháp quyền công bằng, liêm khiết đảm bảo không có sự phân biệt đối xử trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ lao động.

     

     

    Phân biệt đối xử trong quan hệ lao động là gì?

    - Căn cứ khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì phân biệt đối xử trong quan hệ lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.

    Đối với việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.

    - Người lao động có quyền làm việc và không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc. (điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019)

    - Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động thuộc một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. (khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 175 Bộ luật Lao động 2019)

    Mức xử phạt đối với hành vi phân biệt đối xử trong quan hệ lao động?

    (i) Đối với bên thuê lại lao động có hành vi phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. 

    (điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

    (ii) Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế theo một trong các mức sau đây:

    - Từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.

    - Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.

    - Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.

    - Từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.

    - Từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

    (khoản 2 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

    (iii) Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động.

    (khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

    (iv) Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

    (khoản 2 Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

    Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức xử phạt đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại các khoản (i), (ii), (iii), (iv) nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

    Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì sẽ bị phạt gấp đôi theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

    Như vậy, việc pháp luật cấm và quy định mức xử phạt đối với hành vi phân biệt đối xử trong quan hệ lao động nêu trên nhằm hướng đến sự công bằng, bình đẳng và nghiêm minh, đề cao tinh thần pháp luật trong xã hội theo ý nghĩa câu tục ngữ “Quân bất pháp vị bất thân”. 

     
    25 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận