Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tầm nhìn xe chạy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (Khoản 5 Điều 2 Luật Đường bộ 2024).
1. Nguyên tắc xác định chiều rộng hành lang an toàn đường bộ
Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Luật Đường bộ 2024 thì chiều rộng hành lang an toàn đường bộ được xác định theo nguyên tắc sau đây:
- Đối với đường ngoài đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ, theo quy mô, cấp kỹ thuật của đường (Theo Điều 9 Nghị định 11/2010/NĐ-CP thì cấp kỹ thuật của đường được hiểu là cấp thiết kế của đường, bao gồm đường cao tốc và đường từ cấp I đến cấp VI);
Trường hợp đường hiện hữu chưa xác định cấp kỹ thuật, thì căn cứ chiều rộng mặt đường và tiêu chuẩn thiết kế đường để xác định cấp kỹ thuật tương ứng làm căn cứ xác định chiều rộng hành lang an toàn đường bộ;
- Đối với đường đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị đến chỉ giới đường đỏ (Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác (Điểm 1.4.22 QCVN 01:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD)) nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang của đường ngoài đô thị cùng cấp;
- Đối với cầu, bến phà, cầu phao đường bộ, xác định theo chiều dọc, chiều ngang công trình và phụ thuộc cấp sông, quy mô công trình; đối với cầu cạn, cầu vượt trên cao, xác định từ mép ngoài của phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu;
- Đối với hầm đường bộ, xác định từ mép ngoài của phần đất bảo vệ công trình hầm ra xung quanh;
- Đường bộ có kè, tường chắn bảo vệ nằm trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, xác định từ mép ngoài của kè, tường chắn bảo vệ trở ra nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang an toàn đường bộ quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 15 Luật Đường bộ 2024;
- Đối với đường thôn, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị và đường khác không cho xe ô tô di chuyển thì không bắt buộc bố trí hành lang an toàn đường bộ.
Như vậy, tùy thuộc vào từng loại đường, từng khu vực thì chiều rộng hành lang an toàn đường bộ sẽ được xác định theo các nguyên tắc khác nhau phù hợp với loại đường, khu vực đó.
2. Quy định về quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ
Điều 16 Luật Đường bộ 2024 quy định về việc quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường bộ như sau:
- Đất hành lang an toàn đường bộ đã được Nhà nước thu hồi phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Đường bộ 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:
+ Bảo đảm an toàn công trình đường bộ và công trình khác trong hành lang an toàn đường bộ;
+ Không che lấp báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
+ Bảo vệ cảnh quan, môi trường theo quy định của pháp luật.
- Đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai 2024 và phải đáp ứng các quy định về việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ ở trên.
- Việc trồng, chăm sóc và khai thác cây trong hành lang an toàn đường bộ cũng phải bảo đảm các quy định về việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ ở trên đồng thời phải đảm bảo các quy định sau:
+ Thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ gãy, đổ cây gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; gây hư hại công trình đường bộ và công trình liền kề;
+ Cắt xén khi cây che lấp báo hiệu đường bộ, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường bộ;
+ Không được ảnh hưởng tới chất lượng và hoạt động bảo trì đường bộ.
- Sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ chồng lấn với phạm vi bảo vệ đê điều, vùng phụ cận công trình thủy lợi, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ đường sắt phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều 2006, Luật Thủy lợi 2017, Luật Đường sắt 2017, Luật Đất đai 2024, Luật Đường bộ 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đường gom phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, trừ trường hợp đường gom đồng thời là đường bên.
Trường hợp không thể bố trí được đường gom ngoài hành lang an toàn đường bộ thì có thể bố trí trong hành lang an toàn đường bộ, nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ còn lại đủ để mở rộng đường theo quy hoạch;
+ Bảo đảm an toàn công trình đường bộ;
+ Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và tầm nhìn xe chạy.
Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ 01/01/2025, trừ các trường hợp quy định tại Điểm a, b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50 và khoản 1 Điều 84 của Luật Đường bộ 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
Luật Giao thông đường bộ 2008 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 86 của Luật Đường bộ 2024.