Theo quy định, để nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải làm thủ tục xin hưởng trợ cấp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao đồng. Vậy, điều này có đồng nghĩa với việc nếu không kịp hạn nộp hồ sơ thì sẽ bị mất luôn khoản tiền này? Bài viết sau sẽ trả lời cho câu hỏi này.
Trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh minh họa
Quá thời hạn nhận hồ sơ thì có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?
Căn cứ theo quy định của pháp luật, tại Khoản 1 Điều 46 Luật việc làm 2013 quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.”
Ngoài ra căn cứ Khoản 3 Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng quy định:
“Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này”
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp quy định về nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.”
Như vậy, có đầy đủ căn cứ cho thấy khi đã quá hạn nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp thì không đủ điều kiện để xin hưởng trở cấp thất nghiệp nữa.
Vậy tiền bảo hiểm chưa nhận sẽ được giải quyết như thế nào?
Khoản 6 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định:
- Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp và không thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH nơi đang hưởng thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng theo quy định.
Đồng thời, khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH xác định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp - Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp
Như vậy, sau 03 tháng, người lao động không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính vào lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo chứ không bị mất đi.
Cập nhật bởi NguyenThanhNgan123 ngày 17/09/2020 03:47:23 CH