Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, các quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) có nhiều điểm mới so với trước. Trong đó, quy định mới về cách tính “thuế khoán” đã tác động đến tâm lý của hơn 3 triệu hộ kinh doanh trên cả nước. Việc “đánh” thuế trực tiếp trên doanh thu khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng, hộ kinh doanh cá thể sẽ phải nộp thuế nhiều hơn vì không được trừ chi phí đầu vào, không được giảm trừ gia cảnh như trước... Trên thực tế, các quy định mới có làm hộ kinh doanh phải nộp thuế cao hơn trước?
Minh bạch, tránh tiêu cực
Quy định đến nay vẫn áp dụng chung là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (gọi chung là hộ kinh doanh cá thể) có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thực hiện nộp thuế theo phương pháp thuế khoán, ấn định ổn định trong 1 năm. Các hộ kinh doanh có dOanh số trên 100 triệu đồng/năm nộp các loại thuế: thuế môn bài, thuế TNCN và thuế GTGT.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là trước đây phương pháp tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể là theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Nghĩa là lấy doanh thu trừ đi chi phí đầu vào, rồi nhân với thuế suất từng ngành nghề, sau đó hộ kinh doanh còn được giảm trừ gia cảnh. Sau khi giảm trừ gia cảnh, số thu nhập còn lại mới tính thuế theo tỷ lệ lũy tiến từ 5% - 10% - 15% - 20% - 25% - 30% và mức cao nhất là 35%. Nhưng điểm mới là kể từ ngày 1-1-2015, theo quy định mới, hộ kinh doanh cá thể nộp thuế TNCN tính trên tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Ví dụ, theo quy định, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (tương đương 8,4 triệu đồng/tháng) phải nộp thuế. Trước ngày 30-12-2014, nếu A kinh doanh cho thuê nhà có doanh thu 30 triệu đồng/tháng thì được tính như sau: 30 triệu đồng nhân (x) tỷ lệ ngành nghề 30% = 9 triệu đồng/tháng, nhưng nếu A được giảm trừ gia cảnh (cho chính bản thân là 9 triệu đồng/tháng) thì A không phải nộp thuế. Như vậy, với doanh thu trên 30 triệu đồng/tháng thì cá nhân kinh doanh mới phải nôp thuế và doanh thu càng lớn thì mức thuế nộp càng cao, mức thuế lũy tiến cao nhất đến 35%.
Tương tự, kể từ ngày 1-1-2015, cá nhân có mức thu nhập trên 8,4 triệu đồng/tháng, tức trên 100 triệu đồng/năm cũng mới phải nộp thuế. Như cách tính trên doanh thu, cụ thể lấy doanh thu nhân trực tiếp với thuế suất ấn định. Với cách này, do mức thuế suất ấn định thấp, chỉ từ 0,5-5% nên người nộp thuế không được trừ chi phí, không được giảm trừ gia cảnh. Ví dụ, nếu A kinh doanh cho thuê nhà với doanh thu 30 triệu đồng/tháng thì được tính như sau: lấy toàn bộ 30 triệu đồng nhân x thuế suất cho thuê nhà 5% = 1,5 triệu đồng/tháng (số thuế phải nộp). Nếu cá nhân phân phối, cung cấp hàng hóa có doanh số 30 triệu đồng/tháng thì chịu thuế suất đối với hoạt động phân phối là 0,5%. Cụ thể, số thuế phải nộp được tính như sau: 30 triệu đồng x 0,5% = 150.000 đồng/tháng.
Rõ ràng, về mặt lý thuyết, phương pháp tính thuế mới sẽ thiệt thòi cho hộ kinh doanh cá thể nhỏ, doanh số ít. Cụ thể, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu trên 8,4 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng/tháng với cách tính trước đây thì không phải nộp thuế, còn nay phải nộp. Nhưng trên thực tế thì khác. Tuy nhiên, ưu việt nhất trong phương pháp tính thuế mới là cách tính đơn giản, bản thân hộ kinh doanh có thể tự tính được số thuế phải nộp của mình, tránh được tiêu cực trong việc “áp” thuế của cán bộ thuế.
Đừng lo tăng thuế
Rõ ràng, về lý thuyết như nói ở trên, cách tính thuế mới sẽ thiệt thòi cho hộ kinh doanh nhỏ. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại. Trước đây, gần như không có hộ kinh doanh nào có doanh số trên 10 triệu đồng/tháng mà không phải nộp thuế. Nguyên nhân, cách tính cũ quá rắc rối, các hộ kinh doanh cá thể không thể nào hiểu được cách tính thế nào, được trừ cái gì để ra số thuế phải nộp. Bởi, những cái gọi là “chi phí được trừ” đối với hộ kinh doanh là không thể tính được, do không thể phân biệt được cái nào là chi phí kinh doanh, cái nào là chi phí cho cuộc sống của hộ gia đình. Ví dụ, người kinh doanh dùng mặt tiền nhà ở của mình để buôn bán thì không thể xác định được chi phí mặt bằng là bao nhiêu để đưa vào chi phí được trừ trong kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng vốn vay để kinh doanh cũng không thể đưa lãi suất vào chi phí được trừ… Hơn nữa, phần giảm trừ gia cảnh cũng không thể xác minh được, có thể người kinh doanh được con cái họ (đang làm việc ở các tổ chức) khai là đối tượng phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh rồi nên cơ quan thuế thường không chấp nhận giảm trừ gia cảnh đối với hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, dù có quy định nhưng trước đây hầu như các hộ kinh doanh cá thể không tính được chi phí giảm trừ, không được giảm trừ gia cảnh.
Một cán bộ thuế phụ trách hộ thuế khoán thừa nhận, về lý thuyết trước đây hộ kinh doanh cá thể được trừ chi phí, được giảm trừ gia cảnh, nhưng cách tính quá phức tạp, chẳng hộ nào biết để thực hiện. Số thuế khoán hầu như phụ thuộc sự tính toán của cán bộ thuế. Để đảm bảo được số thu, hầu như các cán bộ thuế tính thuế khoán theo… quy trình ngược! Tức là, cán bộ tự ấn định hộ khoán đó phải nộp, chẳng hạn 1 triệu đồng/tháng, từ đó nhân lên rồi áp doanh số bán của hộ đó. Đương nhiên, vì không hiểu cách tính nên hộ kinh doanh tự thấy khả năng mình nộp được mức thuế đó là ký tên chấp nhận. Do vậy, trên thực tế, trước nay rất nhiều tiểu thương kinh doanh ở chợ có doanh số mỗi tháng dưới 30 triệu đồng, nhưng vẫn bị áp thuế khoán khoảng 1 triệu đồng/tháng, trong khi theo lý thuyết, hộ kinh doanh được giảm trừ gia cảnh thì doanh số dưới 30 triệu đồng/tháng không phải nộp thuế.
Nay chiếu theo quy định mới, hộ kinh doanh hiểu cách tính thuế, nắm rõ mức thuế đối với từng hoạt động kinh doanh (như phân phối, cung cấp hàng hóa có mức thuế suất 0,5%, kinh doanh khác có mức thuế suất 1%, cho thuê nhà có mức thuế suất 5%...) thì hộ kinh doanh tự tính được số thuế của mình. Chẳng hạn với doanh số bán hàng 30 triệu đồng/tháng, nếu phân phối, cung cấp hàng hóa, hộ kinh doanh chỉ phải nộp thuế TNCN 150.000 đồng/tháng (30 triệu x 0,5%); nếu hoạt động kinh doanh khác thì phải nộp 300.000 đồng/tháng (30 triệu x 1%); cho thuê nhà phải nộp 1,5 triệu đồng/tháng (30 triệu x 5%). Do vậy, có thể nói, khi áp dụng phương pháp mới, minh bạch hơn thì một số hộ khoán có thể sẽ nộp thuế ít hơn so với sự ấn định thuế mù mờ trước đây.
Cũng chính phương pháp tính thuế cũ quá rắc rối nên nảy sinh tiêu cực, không ít hộ kinh doanh cá thể có doanh số lớn nhưng “quen biết” nên được ấn định thuế khoán thấp hơn vì được trừ chi phí, được giảm trừ gia cảnh… Ngược lại, một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ bị ấn mức thuế cao, nhưng không thể hiểu hết cách tính nên không biết để khiếu nại. Đó cũng là một trong những lý do để Quốc hội thay đổi phương pháp tính thuế, đơn giản, tạo minh bạch, giúp các hộ kinh doanh tự tính được số thuế phải nộp của mình. Đồng thời, tinh giản bộ máy, giảm cán bộ quản lý thuế khoán.
Lãnh đạo Bộ Tài chính còn lý giải, cách tính thuế trên doanh thu công bằng hơn, có lợi hơn cho hộ kinh doanh cá thể. Nguyên nhân, phương pháp tính thuế TNCN theo lũy tiến đối với người kinh doanh trước đây là không hợp lý. Thử so sánh mức thuế TNCN lũy tiến có mức cao nhất lên đến 35% trên lãi của họ, trong khi đó thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 20%, doanh nghiệp nhỏ thì 17%, là điều vô lý. Ngược lại, nếu trước đây người kinh doanh tuy được giảm trừ gia cảnh, trừ chi phí nhưng lại không xác định được chi phí để trừ thì sẽ cho ra kết quả lãi suất cao, lại phải nộp thuế suất quá cao, cao nhất đến 35% thì sẽ không có lợi. Hơn nữa, phương pháp tính thuế mới tính trên doanh số, dù không được trừ chi phí, không được giảm trừ gia cảnh nhưng mức thuế suất thấp, chỉ 0,5% - 1%, còn thuế lũy tiến trước đây đến 35% là quá cao. Do vậy, Bộ Tài chính khẳng định, chính sách thuế thay đổi lần này không gây thiệt thòi cho hộ kinh doanh cá thể mà tạo công bằng trong kinh doanh.
(Theo SGGP)