Thuật ngữ “phục viên” có nghĩa là gì? Sĩ quan phục viên vào năm 2024 thì được hưởng chế độ nào? Đã phục viên thì có được thành lập công ty không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Phục viên là gì?
Trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể như thế nào là “phục viên”. Đây là một thuật ngữ được sử dụng trong ngành quân đội, được sử dụng để chỉ việc một quân nhân chuyên nghiệp xin ra khỏi quân đội, không còn phục vụ trong quân ngũ căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng 2015.
(2) Sĩ quan phục viên năm 2024 thì được hưởng những chế độ gì?
Căn cứ Điều 8 Thông tư liên tịch 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC có quy định khi sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp thuộc trường hợp thôi phục vụ tại ngũ mà không đủ điều kiện nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ bệnh binh hay không chuyển ngành được thì được phục viên về địa phương và được hưởng những chế độ như sau:
- Được hưởng trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương tối thiểu chung theo quy định tại thời điểm phục viên.
- Được ưu tiên học nghề hoặc giới thiệu việc làm tại các tổ chức giới thiệu việc làm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội khác.
- Được hưởng trợ cấp phục viên một lần, cứ mỗi năm công tác thì được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương hiện hưởng.
- Được cấp tiền tàu xe (loại thông thường ) từ đơn vị về nơi cư trú.
Như vậy, trường hợp sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp phục viên năm 2024 thì sẽ được hưởng những chế độ như đã nêu trên.
(3) Quân nhân phục viên có được thành lập công ty không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc QĐND Việt Nam, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc CAND Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng ngoại trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 (trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác).
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tổ chức không có tư cách pháp nhân.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định.
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định.
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy quân nhân chuyên nghiệp thuộc một trong những bị loại trừ, trừ khi họ được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, trường hợp người quân nhân chuyên nghiệp đã phục viên, tức đã rời khỏi quân ngũ thì không còn thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này. Theo đó, người này có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.