Phụ nữ lái xe thì sao?
Tối qua, mạng xã hội facebook, chia sẻ clip về một vụ tai nạn mà người lái xe sau khi đâm phải 03 người đi bộ đã đạp ga cán qua những nạn nhân một lần nữa rồi bỏ chạy khỏi hiện trường. Khi xem clip chắc hẳn ai cũng có cảm giác gợn gợn ở sống lưng vì mức độ nguy hiểm của hành vi mà lái xe đã thực hiện. Và không lâu sau thì danh tính người gây tai nạn được xác định là phụ nữ và trong máu có nồng đột cồn vượt mức quy định khi điều khiển ô tô.
Chuyện đúng sai như thế nào có pháp luật phân xử, người gây tai nạn sai đến đâu pháp luật xử đến đấy. Tuy nhiên, không biết các bạn có để ý giống tôi hay không? Cứ sau mỗi lần có tai nạn giao thông mà người gây tai nạn là phụ nữ thì trên khắp các mặt báo, truyền thông, mạng xã hội… khi đề cập đến vụ tai nạn đó thì chữ “PHỤ NỮ” luôn được đưa lên đầu tiên như một điểm nhấn của sự việc, rằng phụ nữ lái xe là một điều gì đó trái với tự nhiên và lẽ thường, và cái thành tố “PHỤ NỮ” đó gây cho độc giả hiểu vì là phụ nữ lái xe mới gây ra tai nạn.
Và cũng từ những bài chia sẻ đó, cái câu “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác” truyền tai, truyền miệng đi khắp nơi, dần dần hình thành nên suy nghĩ rằng phụ nữ lái xe ẩu, phụ nữ không biết lái xe hay thậm chí là phụ nữ lái xe mà gây ra tai nạn. Điều đó có đúng không? Đương nhiên là không.
Hiện tại chưa có một bài thống kê nào về tỷ lệ nam nữ gây tai nạn trong những vụ tai nạn giao thông ở phạm vi nước ta cho nên khó mà có một kết luận định lượng thật sự chính xác. Nhưng thử làm một phép suy đoán nhỏ nhỏ, lâu lâu ta lại gặp những bài báo như tôi kể trên, “kể tội” của phụ nữ khi lái xe, vậy những vụ tai nạn còn lại, những vụ mà thành tố “phụ nữ” không được đưa vào những title báo, những post chia sẻ trên mạng xã hội thì do ai gây ra? Pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành thì chỉ có 02 giới tính là Nam/Nữ, vậy những trường hợp tôi kể trên, khi mà không có thống kê thì xác suất xảy ra có phải là 50/50 giữa nam và nữ hay không?
Có dấu hiệu vi phạm Luật bình đẳng giới
“Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống và gia đình.” Đây là nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiệện bình đẳng giới đã được quy định tại Luật bình đẳng giới 2006.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, không có quy định nào về việc phân biệt giới tính khi đào tạo, sát hạch lái xe. Điều đó có nghĩa rằng những lập luận như phụ nữ phản xạ chậm hơn đàn ông, phụ nữ cảm quan không gian kém hơn đàn ông, phụ nữ lái xe kém hơn đàn ông… đều không có cơ sở lý luận về mặt pháp lý.
Cho nên việc “phân biệt đối xử”, với những bình luận, nhận định như đã đề cập ở trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công tác thực hiện bình đăng giới trong xã hội.
Hằng ngày, hàng giờ, mọi lúc, mọi nơi… Chúng ta vẫn đang tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, tuy nhiên in sâu vào trong tiềm thức của nhiều người sự phân biệt giới tính vẫn còn đang hiện rõ, nó được thể hiện thông qua những hoạt động thường ngày từ những hành động nhỏ nhất khiến cho chúng ta không để ý đó là sự phân biệt đối xử, một cách vô lý, không có cơ sở.
Phụ nữ lái xe thì sao?
Cập nhật bởi Dong_Bich ngày 19/12/2018 03:58:29 CH