Ngày 9/11/2021, Bộ Y tế ra Quyết định 5175/QĐ-BYT, trong đó đáng chú ý là việc khuyến khích bố trí phòng vắt sữa mẹ tại các cơ sở lao động có từ 100 lao động nữ trở lên, riêng đối với những doanh nghiệp có trên 1000 lao động nữ thì bắt buộc phải thực hiện yêu cầu này. Có thể nói quy định mới này thể hiện rõ tinh thần nhân đạo, thấu hiểu của pháp luật đối với phụ nữ và trẻ em!
Phòng vắt sữa mẹ tại cơ sở lao động - Minh họa
Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Tại Việt Nam, lao động nữ chiếm gần một nửa (48%) lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam ở mức cao - khoảng 72%, cao hơn đáng kể so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (61%) và thế giới (50%).
Phụ nữ cần được hỗ trợ khi họ đang cùng lúc phải thực hiện cả hai vai trò công việc và chăm sóc con. Đặc biệt, giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ dưới hai tuổi, lao động nữ cần các chính sách và biện pháp hỗ trợ thiết thực của nhà nước, cơ sở y tế, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng để chăm sóc sức khỏe thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ, đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Bộ Luật Lao động 2012 quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng giúp người mẹ có điều kiện tốt hơn để nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu và chăm sóc con tốt hơn. Việc thực hiện tốt các chính sách và can thiệp hỗ trợ, khuyến khích NCBSM đã góp phần cải thiện đáng kể tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (tăng từ 19% năm 2010 lên 45% năm 2020). Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến hai tuổi vẫn còn thấp, chỉ ở mức 26% (năm 2020).
Một trong những nguyên nhân là do lao động nữ chưa được hỗ trợ tại nơi làm việc để duy trì nuôi con bằng sữa mẹ khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Các hỗ trợ này bao gồm việc tạo điều kiện của người sử dụng lao động, sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn trong việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa và bố trí thời gian để lao động nữ được vắt, trữ sữa tại nơi làm việc.
Một trong những đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo đời sống gia đình công nhân lao động chính là hỗ trợ lao động nữ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ thông qua lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Trẻ được bú mẹ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con.
Gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh. Việc quan tâm cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ, đặc biệt là lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại doanh nghiệp, có thể giúp lao động nữ tập trung và tăng cường hiệu quả công việc, tạo ra lực lượng lao động ổn định cho doanh nghiệp.
Có thể thấy một số lợi ích hiện hữu của việc lắp đặt phòng vắt sữa mẹ tại cơ sở lao động:
- Không lãng phí lượng sữa trong cơ thể người mẹ
- Lao động nữ sẽ có thể yên tâm tập trung hơn vào công việc khi con họ được đảm bảo nguồn dinh dưỡng tối ưu.
- Tiết kiệm chi phí cho việc mua sữa ngoài, từ đó phần nào tiết kiệm được cho thu nhập
- Sử dụng sữa mẹ cũng giúp giảm thiểu khả năng trẻ nhiễm bệnh, gián tiếp tiết kiện chí phí khám chữa bệnh.
Nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng mô hình này tại các doanh nghiệp bởi lẽ chi phí phải bỏ ra không hề lớn mà còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, tôn trọng dành cho lực lượng lao động nữ. Tạo điều kiện cho lao động nữ chăm con cũng là góp phần vào công cuộc chăm sóc, giáo dục những mầm non tương lai của đất nước.