Chào bạn,
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
Thứ nhất, về tội không xuất trình được giấy phép lái xe.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
1. Giấy đăng ký xe
2. Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này
3. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này
4. Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Về bản chất, giấy phép lái xe là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới (người lái xe) đủ điều kiện được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới theo quy định. Còn giấy hẹn cấp bằng lái xe đơn thuần là một loại giấy tờ hành chính (như biên bản vi phạm hành chính) nhằm xác nhận bằng lái xe của bạn đang được cấp lại và trong nội dung giấy hẹn ghi rõ mốc thời gian cụ thể để bạn có thể đến nhận bằng lái xe mới. Và thông thường, nội dung gấy hẹn cấp bằng lái xe sẽ ghi rõ, giấy này không có giá trị thay thế giấy phép lái xe. Trong thời gian, từ lúc nhận giấy hẹn cho đến khi được cấp bằng, nếu bạn vi phạm giao thông cũng sẽ bị xử lý như trường hợp không có giấy phép lái xe.
Như vậy, trong luật không hề có quy định nào quy định việc Phiếu xác nhận GPLX có giá trị như Giấy phép lái xe. Do đó, việc CSGT phạt bạn vì tội “không xuất trình được GPLX” là đúng.
Thứ hai, vì bạn không nói rõ dung tích xi lanh của xe mà bạn sử dụng để di chuyển là bao nhiêu nên tôi không thể kết luận là CSGT phạt bạn như thế là đúng hay sai được. Do đó, tôi sẽ chia ra làm hai trường hợp:
- Trường hợp 1: Nếu xe của (chú) bạn có dung tích xi lanh dưới 175cm3 thì sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
“5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.”
- Trường hợp 2: Nếu xe của (chú) bạn có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên thì sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
....
b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
…”
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì:
“8. Ngoài việc bị phạt tiền, người Điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5, Điểm b Khoản 7 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.”
Thứ ba, về tội “điều khiển xe không chính chủ”
Theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe;
b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được Điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.”
Như vậy, quy định này áp dụng đối tượng là chủ phương tiện khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, chứ không phải là “người điều khiển phương tiện”.
Bạn có nói rằng bạn “mượn” xe của chú. Việc mượn xe là quan hệ dân sự, không phát sinh thủ tục hành chính hay trách nhiệm hành chính trong các trường hợp này. Do đó, trường hợp bạn mượn xe của chú để tham gia giao thông thì không vi phạm lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định” theo quy định trên.
Như vậy, việc CSGT phạt bạn lỗi “điều khiển xe không chính chủ” là SAI. Và bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền cấp trên để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình
Trên đây là ý kiến tư vấn của tôi về câu hỏi của bạn. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do bạn cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để bạn tham khảo thêm.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến bạn chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn.
Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ theo thông tin đính kèm bên dưới.
Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.