Tình trạng ô tô đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc diễn ra ngày càng nhiều ở nước ta. Mới đây, không chỉ ô tô con mà CSGT đã xử lý hàng loạt xe khách, xe tải và container vi phạm với lỗi trên. Biết được sự nguy hiểm của hành vi này tuy nhiên nhiều tài xế với lý do biện minh tắc đường để đi vào làn khẩn cấp. Điều này là không thể chấp nhấp được, hơn nữa còn là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Vậy quy định về xử phạt đối với hành vi chạy xe vào làn dừng khẩn cấp là gì?
Làn dừng khẩn cấp là gì?
Làn dừng khẩn cấp là làn ngoài cùng bên phải trên cao tốc vốn là để các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc khi gặp sự cố để dừng đỗ, trong khi chờ lực lượng cứu hộ.
Làn này thường hẹp hơn các làn khác, được tách biệt bằng vạch liền. Khi các xe bị trục trặc hay gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông.
Chỉ có các phương tiện ưu tiên như xe cứu thương, cứu hỏa, công an và các lực lượng đi làm nhiệm vụ được phép lưu thông trong làn dừng khẩn cấp.
Hành vi điều khiển phương tiện đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc. Ngoài ra, hành vi này còn làm cản trở, gây khó khăn cho các phương tiện đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.
Mặc cho sự nguy hiểm là thế, nhiều tài xế vẫn thản nhiên lao nhanh trên làn đường này gây ra nhiều mối lo ngại cho những người điều khiển giao thông khác.
Quy định xử phạt hành vi chạy vào làn dừng khẩn cấp
Theo điểm c Khoản 1 Điều 26 Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định: “Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường”. Theo đó hành vi tài xế cho xe chạy vào làn dừng khẩn cấp là hành vi trái với quy định pháp luật.
Căn cứ tại điểm g Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt tiền từ 04-06 triệu đồng đối với hành vi:
Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.
Theo đó, hành vi chạy vào làn đường khẩn cấp trên cao tốc, các tài xế lái xe có thể bị phạt tới 06 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị phạt thêm hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02-04 tháng theo điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Song song với việc phạt nóng, các tài xế điều khiển xe vào làn dừng khẩn cấp còn có thể bị xử phạt nguội qua camera giám sát trong thời gian tới.
Sử dụng làn dừng khẩn cấp đúng luật
Để sử dụng làn dừng khẩn đúng theo quy định pháp luật, các tài xế cần hiểu rõ công dụng và cách dùng làn dừng này để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả người khác.
Theo đó, khi xe di chuyển trên cao tốc nhưng nếu có sự cố xảy ra, tài xế nên đánh lái về phía bên ngoài của đường cao tốc (về phía làn dừng khẩn cấp) và đừng quên kéo phanh, điều này giúp xe không bị trôi trên đoạn đường không bằng phẳng giúp giữ an toàn cho bản thân và các xe khác đang di chuyển.
Khi gặp tình huống khẩn cấp muốn dừng lại, tài xế nên đánh lái về phía bên phải và đồng thời bật đèn cảnh báo nguy hiểm. Nếu cần được hỗ trợ, hãy tìm kiếm số điện thoại đội cứu hộ trên các tấm bảng để liên hệ.
Trên đây là một số thông tin cần thiết mà bài viết cung cấp nhằm giúp người đọc tuân thủ đúng luật và sử dụng làn dừng khẩn cấp an toàn, đúng cách để bảo vệ chính mình và cả người khác.