Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống bạo lực gia đình có nhiều quy định thiếu tính thực tiễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nếp văn hóa Việt xưa nay.
Phạt tiền từ trên 1,5 đến 2 triệu đồng đối nếu thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó sợ.
Thử hỏi nếu ba, mẹ dọa nạt con bằng hình ảnh, con vật, đồ vật nhằm mục đích để bé ăn cơm, uống thuốc khi bệnh, ngủ đúng giờ, hoặc đi tắm…thì sẽ bị phạt ư?
Quả thật đọc vào quy định trên tôi rợn cả người, nếu mà nó có hiệu lực quay về trước chắc ba tôi cũng bị phạt nhiều lắm đó. Thưở nhỏ tôi nghịch phá, lì lợm nhưng rất sợ ma, bóng tối, ông bị nên ba thường dùng những “hình ảnh” đó để điều khiển con mình theo hướng tốt. Giờ lớn lên tôi vô cùng cảm ơn những lời “dọa nạt” đó, và rằng tôi cũng thường xuyên áp dụng với cháu mình, chẳng lẽ tôi cũng bị phạt hay sao.
Cần nên xác định mục đích mà hành vi hướng tới là tốt hay xấu cho người bị dọa nạt. Có như vậy pháp luật mới thể hiện được cái tình người, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội an lành, đất nước ổn định và phát triển.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng nếu đe dọa tự gây thương tích hoặc tự gây thương tích cho mình để đòi hỏi thành viên gia đình đáp ứng yêu cầu của mình.
Thử hỏi: nếu người chồng ngoại tình, người vợ bất lực chẳng biết phải làm sao ngăn chặn nên đe dọa chồng bằng cách: nếu anh không dừng việc đó lại thì em sẽ tự tử cho anh coi. Vậy người vợ có bị xử phạt hay không?
Đọc được quy định trên tôi lại nhớ và yêu mẹ mình nhiều hơn, lúc nhỏ mẹ không hề đánh tôi một roi, nhưng tôi vẫn nghe lời mẹ, trở thành đứa con ngoan trong gia đình. Bởi mỗi lúc tôi lì, tôi hư mẹ thường bảo nếu con còn như vậy nữa mẹ sẽ chết cho con coi, hoặc mẹ tự đánh vào người mẹ. Thật sự nếu lúc đó mẹ đánh đòn tôi thì tôi cũng chẳng sợ đâu, vì tôi cứng đầu và không sợ roi vào mông như những đứa bé khác, nhưng tôi sợ mẹ đau vậy là tôi nghe lời mẹ. Giờ đã lớn, nhiều lúc ngẫm lại “đây là cách dạy con kỳ quặc của mẹ” nhưng rất là hay, lời dạy ấy không phải là đòn roi nhưng là tiếng nhạc mách bảo vào trái tim, ý thức của trẻ thơ, chính điều đó đã làm nên sự vĩ đại. Chẳng lẽ, một người mẹ như thế mà bị xử phạt hay sao? Tình người còn đâu vậy các bác soạn thảo?
Một lần nữa tôi nhắc đến: cần xem lại mục đích của sự đe dọa hướng tới là tốt hay xấu cho nguời bị đe dọa. Bởi những lời “đe dọa” đôi khi là sợi dây liên kết giữ thành viên gia đình, làm gia đình sống tốt hơn.
Lời kết: Xin hãy để những vấn đề dân sự thiêng liêng cho nếp văn hóa Việt, nền văn hiến mấy nghìn năm điều chỉnh, chứ đừng dùng sự máy móc của pháp luật “hại điện” phá vở sự tuyệt vời đó bằng mối quan hệ “Hành là chính”.