Phản tố là gì? Yêu cầu phản tố của bị đơn có phải là yêu cầu khởi kiện?

Chủ đề   RSS   
  • #612646 11/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    Phản tố là gì? Yêu cầu phản tố của bị đơn có phải là yêu cầu khởi kiện?

    Không ít người thắc mắc rằng phản tố là gì? Yêu cầu phản tố của bị đơn có phải yêu cầu khởi kiện? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về phản tố và những quy định pháp luật liên quan.

    Trong quá trình xét xử các vụ án dân sự, phản tố là một thuật ngữ pháp lý quan trọng, được sử dụng khi bị đơn muốn bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách yêu cầu tòa án giải quyết một yêu cầu đối với nguyên đơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ phản tố là gì và nó có phải là một hình thức khởi kiện hay không.

    (1) Phản tố là gì?

    Mặc dù Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS năm 2015) không quy định cụ thể về định nghĩa phản tố nhưng ta có thể hiểu như sau:

    Phản tố là một quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiện ngược lại nguyên đơn.

    Theo Điều 200 BLTTDS năm 2015, quyền yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định như sau:

    - Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

    - Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

    + Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

    + Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

    - Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

     

    (2) Yêu cầu phản tố của bị đơn có phải yêu cầu khởi kiện?

    Theo như đã đề cập, phản tố là một quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiện ngược lại nguyên đơn.

    Căn cứ theo Điều 202 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:

    Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.

    Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn là yêu cầu khởi kiện ngược lại của bị đơn đối với nguyên đơn hay người có nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Chính vì thế, yêu cầu phản tố của bị đơn được xem xét, giải quyết theo như quy định đối với yêu cầu khởi kiện.

    (3) Trình tự, thủ tục phản tố

    Bởi vì yêu cầu phản tố của bị đơn được xem xét, giải quyết theo như quy định đối với yêu cầu khởi kiện. Chính vì vậy, trình tự, thủ tục phản tố được thực hiện như sau:

    – Bước 1: Bị đơn gửi yêu cầu phản tố đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 199 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).

    Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày.

    Xem và tải mẫu đơn phản tố:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/12/mau-don-phan-to.docx

    – Bước 2:  Toà án tiếp nhận và xem xét đơn phản tố

    Tòa án nhận đơn phản tố và xem xét xem có đáp ứng các điều kiện về nội dung và thời hạn hay không.

    – Bước 3: Bị đơn bổ sung đơn yêu cầu phản tố hoặc nhận lại đơn  nếu không được Tòa án chấp nhận yêu cầu

    – Bước 4: Thời hạn giải quyết

    Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày bị đơn nộp đủ hồ sơ hợp lệ, thẩm phán được phân công có trách nhiệm xem xét đơn và đưa ra quyết định.

    Phải gửi yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

    Tóm lại, phản tố là một quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiện ngược lại nguyên đơn. Yêu cầu phản tố của bị đơn là yêu cầu khởi kiện ngược lại của bị đơn đối với nguyên đơn hay người có nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

     
    1092 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamtuyet9366 vì bài viết hữu ích
    admin (16/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận