Phương án trực ngày nghỉ lễ, tết là trường tự sắp xếp chứ không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải trực vào ngày nghỉ lễ, tết.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động."
Như vậy, giáo viên được nghỉ theo chế độ của Bộ luật lao động, nghỉ vào các ngày nghỉ lễ, tết hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp, đây thuộc về quyền lợi của giáo viên. Do đó, nếu giáo viên được cử đi trực vào các ngày nghỉ lễ, tết thì phải được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định hiện hành tại Điều 98 Bộ luật lao động 2019. Như vậy mới phù hợp với quy định pháp luật về lao động.
Giáo viên là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công, do đó, thủ trưởng đơn vị có quyền phân công cho giáo viên làm công tác trực vào các ngày nghỉ lễ, tết và việc trực này phải được giáo viên đồng ý (tương tự như làm thêm giờ trong pháp luật lao động). Việc trường phân công giáo viên trực là không sai nhưng tùy theo thực tế, nhà trường nên có kế hoạch triển khai, phân công cụ thể và hướng xử lý nếu có sự cố. Phương án trực nên trên tinh thần đồng thuận chung, không áp đặt, phân công lịch trực linh động theo điều kiện từng cá nhân, tạo điều kiện để giáo viên được nghỉ lễ, tết theo quy định.