shin_butchi viết:
Góp ý với bạn nilovelaw một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần bổ sung thêm việc giao kết giữa các bên trong hoạt động ủy quyền, ủy nhiệm và ủy thác:
Ủy quyền trong một số trường hợp không cần có sự chấp thuận của bên được ủy quyền (đơn cử là bạn có thể xem nội dung tại bài viết Giấy ủy quyền hay Hợp đồng ủy quyền), còn 2 loại ủy nhiệm và ủy thác đương nhiên cần phải có sự chấp thuận của bên được ủy nhiệm và bên được ủy thác.
Thứ hai, ủy nhiệm không chỉ đơn giản là sử dụng trong ngân hàng, tài chính mà còn sử dụng trong doanh nghiệp hoặc các hoạt động của cơ quan nhà nước,
Đơn cử: tại doanh nghiệp, người được ủy nhiệm là người đại diện có đủ thẩm quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và doanh nghiệp mà mình đại diện...
Theo quan điểm cá nhân mình thì:
Thứ nhất, giữa ỦY QUYỀN và ỦY NHIỆM không có sự khác biệt gì lớn, ý nghĩa tương đồng nhau nên không cần phân biệt 2 thuật ngữ này. Chúng ta nên tập trung phân biệt thuật ngữ ỦY QUYỀN/ỦY NHIỆM với thuật ngữ ỦY THÁC. Ủy quyền và ủy nhiệm xuất hiện trong quan hệ đại diện. Và dĩ nhiên, quan hệ ủy thác không phải là quan hệ đại diện. Cơ sở pháp lý:
#K1, Điều 141, Luật Thương mại 2005 định nghĩa về "Đại diện cho thương nhân" có nội dung tương đồng với định nghĩa "Đại diện" trong K1, Điều 134, Bộ luật dân sự 2015.
#Điều 155. Luật Thương mại 2005 định nghĩa về "Ủy thác mua bán hàng hóa" theo đó bên nhận ủy thác thực hiện mua bán hàng hóa theo thỏa thuận với bên ủy thác, nhưng không nhân danh bên ủy thác mà tự nhân danh chính mình khi thực hiện công việc đó.
Thứ hai, ỦY QUYỀN/ỦY NHIỆM xác định sự ràng buộc giữa bên ủy quyền/ủy nhiệm (bên giao đại diện) với bên nhận ủy quyền/ủy nhiệm (bên đại diện) chặt chẽ hơn so với trường hợp ỦY THÁC. Quan hệ ủy thác không phải là quan hệ đại diện. Cơ sở pháp lý cho nhận định này của mình là khi mình đối chiếu, so sánh Khoản 3, Điều 145, Luật Thương mại 2005 với Khoản 3, Điều 165, Luật Thương mại 2005 như sau:
# K3, Điều 145. Nghĩa vụ của bên đại diện: TUÂN THỦ chỉ dẫn của bên giao đại diện nếu chỉ dẫn đó không vi phạm quy định của pháp luật.
# K3, Điều 165. Nghĩa vụ của bên nhận ủy thác: THỰC HIỆN các chỉ dẫn của bên ủy thác phù hợp với thỏa thuận.
Như vậy trong quan hệ đại diện theo ủy quyền được quy định trong luật thương mại 2005 thì, bên đại diện BẮT BUỘC phải thực hiện toàn bộ chỉ dẫn của bên giao đại diện. Bên đại diện chỉ được thực hiện các hoạt động thương mại trong phạm vi mà bên giao đại diện cho phép. Điều này đã ràng buộc và hạn chế quyền và nghĩa vụ của bên đại diện. Ví dụ: Thương nhân A ỦY NHIỆM cho thương nhân B mua 5000 tấn gạo của thương nhân C và vận chuyển 5000 tấn gạo đó đến nhà kho của A. Theo đó B bắt buộc phải làm theo công việc mà A đã ủy nhiệm và được coi là hoàn thành công việc khi vận chuyển đủ 5000 tấn gạo vào nhà kho của A. Trường hợp không thể vận chuyển cùng một lúc 5000 tấn gạo đó đến nhà kho của A buộc B phải chia thành 2 đợt vận chuyển thì B phải có nghĩa vụ thông báo cho A, chỉ khi A chấp thuận thì B mới được phép thực hiện vận chuyển thành 2 đợt đến kho của A.
Trái ngược với quan hệ đại diện như trên, trong quan hệ ủy thác thì bên nhận ủy thác KHÔNG BẮT BUỘC phải thực hiện toàn bộ chỉ dẫn của bên ủy thác, miễn sao hoàn thành công việc đúng thỏa thuận. Còn cách thức thực hiện công việc thế nào thì bên nhận ủy thác có thể tùy ý, linh động thực hiện các chỉ dẫn đã thỏa thuận. Ví dụ: Thương nhân A ỦY THÁC cho thương nhân B mua 5000 tấn gạo của thương nhân C và vận chuyển 5000 tấn gạo đó đến nhà kho của A. Theo đó, B được phép thực hiện việc vận chuyển 5000 tấn gạo đó đến kho của A thành 2 đợt (đợt 1: 2000 tấn, đợt 2: 3000 tấn) mà B không cần sự đồng ý của bên A. Trong quan hệ ủy thác, A và B không tồn tại quan hệ đại diện nên họ sẽ không ràng buộc chặt chẽ với nhau.
Đó là quan điểm của mình. Cám ơn!