Paypal và những hệ lụy
Paypal hay một số dịch vụ thanh toán được gọi là “cổng thanh toán quốc tế” đã hoạt động ở Việt Nam không dưới 10 năm. Tuy nhiên, sự phổ biến của phương thức giao dịch này lại không tỷ lệ thuận với độ an toàn của nó và thậm chí Nhà nước vẫn đang từng bước thắt chặt quản lý. Bài viết này sẽ phân tích 2 rủi ro lớn nhất khi sử các dịch vụ thanh toán quốc tế này!
1. Paypal chưa được cấp phép ở Việt Nam
Hiện tại, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức không phải là ngân hàng xin cấp Giấy phép thực hiện một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán phải đáp ứng một số điều kiện quy định tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP.
Trong các quy định này, Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 101 nêu rõ:
“Các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trong đó hoạt dộng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là một trong các hoạt động kinh doanh chính của tổ chức;
…”
Thực tế, Paypal chưa được cấp phép thành lập và điều đó có nghĩa họ không được phép thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán theo pháp luật Việt Nam.
Như vậy có thể hiểu, nếu có tranh chấp, khiếu nại đối với các chính sách hoặc rủi ro phát sinh trong khi sử dụng dịch vụ này, bạn sẽ không được pháp luật hỗ trợ. Đồng thời, việc hoạt động của tổ chức này thực tế vẫn chưa có khung pháp lý để xử phạt hành chính hoặc quy trách nhiệm hình sự.
2. Rửa tiền, trốn thuế và các hoạt động lừa đảo thông qua Paypal
Theo Nghị định 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, "tổ chức, cá nhân khác" liên quan đến phòng, chống rửa tiền, bao gồm cả "tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán."
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, Paypal không nằm trong nhóm đối tượng cung ứng dịch vụ được Nhà nước quản lý, chính vì vậy hoạt động rửa tiền xảy ra trên nền tảng này là vô cùng khó kiểm soát.
Cơ chế hoạt động của Paypal dễ dàng giúp các chủ tài khoản giao dịch mà không tuân thủ theo quy định của NHNN về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử hay các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thêm vào đó, hiện nay Thông tư 32/2013/TT-NHNN (sửa đổi bởi Thông tư 16/2015/TT-NHNN và Thông tư 03/2019/TT-NHNN) có quy định những trường hợp được phép sử dụng, kinh doanh ngoại tệ, và đương nhiên nhiên các hình thức chuyển đổi ngoại tệ thực hiện qua Paypal hoàn toàn không được quản lý! Điều này trực tiếp gây thất thoát thuế của Nhà nước và cũng góp phần tiếp tay cho các tội phạm rửa tiền.
Chính vì còn nhiều kẽ hở, đã có nhiều vụ lừa đảo xảy ra khi giao dịch qua Paypal. Người mua hàng đồng ý chuyển tiền trước, nhưng nếu không có người trung gian đứng ra “bảo lãnh”, các giao dịch hoàn toàn có thể bị “lật kèo” vào phút chót và thật khó để người bị hại có thể tố cáo, kiện tụng đòi quyền lợi cho mình (bởi lẽ pháp luật không công nhận những hình thức giao dịch này!).
Trên Cổng thông tin điện tử của của Chính phủ, có thông tin Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra vấn đề trên nghiên cứu sớm có biện pháp quản lý tình trạng giao dịch tài chính bất hợp pháp, trốn thuế qua các cổng thanh toán quốc tế hoạt động trái pháp luật.
Như vậy, dạo qua một vòng Internet, chúng ta có thể thấy những lợi ích có thật từ Paypal, tuy nhiên rủi ro từ việc sử dụng nó là không hề nhỏ, để bảo vệ quyền lợi của mình, tốt hơn hết người dân nên cẩn trọng, tuân thủ pháp luật khi giao dịch qua trung gian thanh toán!
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 13/01/2021 02:42:13 CH