Paralympic là gì? Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng cho VĐV tham dự Paralympic 2024 do ai đảm bảo? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Paralympic là gì?
Paralympic hay viết đầy đủ là Paralympic Games là một sự kiện thể thao quốc tế quan trọng dành riêng cho các vận động viên khuyết tật thể chất. Hai sự kiện Thế vận hội Paralympic Mùa hè và Mùa đông được tổ chức theo Thế vận hội Olympic tương ứng. Tất cả các cuộc thi trong Thế vận hội Paralympic đều do Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) quy định.
Đối với kỳ Paralympic năm 2024, tại Nội dung phong trào thi đua yêu nước ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 được ban hành kèm theo Quyết định 192/QĐ-BVHTTDL cũng có nêu rõ, Thế vận hội Olympic lần thứ 33 và Thế vận hội Người khuyết tật Paralympic lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại Pháp.
Thông tin thêm về vấn đề này, tại Paralympic 2024, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 14 thành viên, trong đó bao gồm:
- 04 cán bộ đoàn.
- 03 huấn luyện viên.
- 07 vận động viên như sau:
+ Bộ môn cử tạ: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan.
+ Bộ môn bơi lội: Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt.
+ Bộ môn điền kinh: Phạm Nguyễn Khánh Minh.
Cả 7 vận động viên tham dự nêu trên đều thuộc thể thao người khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng cho vận động viên tham dự Paralympic do ai đảm bảo?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 86/2020/TT-BTC có quy định về nguồn kinh phí thực hiện như sau:
- Nguồn ngân sách nhà nước:
+ Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với các huấn luyện viên, vận động viên thuộc đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển cấp ngành, đội tuyển trẻ cấp ngành, tham dự Paralympic Games.
+ Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với các huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển cấp tỉnh, đội tuyển trẻ cấp tỉnh.
- Nhà nước khuyến khích các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, các đơn vị quản lý huấn luyện viên, vận động viên và các tổ chức liên quan khai thác các nguồn thu hợp pháp khác để bổ sung thêm chế độ dinh dưỡng cho huấn luyện viên, vận động viên thể thao.
Theo đó, hiện nay, ngân sách trung ương sẽ đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên và các vận động viên tham dự Paralympic.
(3) Đơn vị sử dụng vận động viên thể thao thành tích cao có trách nhiệm gì?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 36/2019/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm của đơn vị sử dụng vận động viên thể thao thành tích cao như sau:
- Kiểm tra sức khỏe ban đầu cho vận động viên ngay khi được tuyển chọn vào các cơ sở đào tạo và các đội tuyển thể thao;
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho vận động viên ít nhất 2 lần/năm, cụ thể về nội dung kiểm tra sức khỏe như sau:
+ Kiểm tra, đánh giá về trình độ thể lực.
+ Kiểm tra, đánh giá về hình thái.
+ Kiểm tra, đánh giá về tâm lý.
+ Kiểm tra, đánh giá về y sinh học.
- Kiểm tra sức khỏe cho vận động viên trước khi tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao (nội dung kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật).
Bên cạnh đó, vận động viên thể thao thành tích cao còn được chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng và chữa trị chấn thương tại các cơ sở y tế trong nước.
Đối với trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL sẽ quyết định cho vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập tập huấn tại các đội tuyển thể thao quốc gia chuẩn bị tham dự và có khả năng giành huy chương tại Đại hội ASIAD, tham dự Đại hội thể thao Olympic và Paralympic được chữa trị chấn thương ở nước ngoài.