Từ ngàn xưa ông bà đã có câu thành ngữ "nuôi ong tay áo". Vậy ý nghĩa của câu thành ngữ là gì? Trường hợp người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty sẽ bị xử lý như thế nào?
Ý nghĩa câu thành ngữ "nuôi ong tay áo"
"Nuôi ong tay áo" là thành ngữ quen thuộc trong tiếng Việt, được Từ điển thành ngữ tiếng Việt giái thích như sau: “ong tay áo” là một loài ong có đặc tính làm tổ trên cao, cả đàn tụ lại quanh tổ làm cho tổ của chúng thụng xuống, trông như ống tay áo ngày xưa. Người ta gọi là “ong tay áo” là dựa vào đặc điểm hình dáng của tổ để gọi tên. Cũng là ong làm được mật nhưng khác với ong vàng vốn hiền lành, ong tay áo có màu đen, hung dữ và đặc biệt chúng có nọc độc.
Theo quan niệm của dân gian, cũng như quạ đen, loài ong đen được cho là điềm gở nên khi chúng xuất hiện, làm tổ, người ta liền hun khói để đuổi đi. Do đó câu thành ngữ "nuôi ong tay áo" nhằm ám chỉ việc nuôi dưỡng che chở cho kẻ xấu mà không biết, để rồi về sau chúng phản thùng, làm hại mình, ví như người dại dột nuôi ong trong ống tay áo thì sẽ có lúc bị ong đốt.
Câu thành ngữ không được hiểu theo ý nghĩa nuôi ong ở trong tay áo, vì đây việc chưa từng xảy ra và cũng không thể làm được. Giả sử có thể cho ong vào trong tay áo thì sẽ bị ong đốt ngay lập tức, chứ không phải là “sẽ có lúc bị đốt”.
Như vậy, câu thành ngữ "nuôi ong tay áo" mang ý nghĩa ẩn dụ cho việc nuôi những kẻ xấu, kẻ phản phúc trong nhà có ngày sẽ gặp họa. Đây là câu nói nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận trước những kẻ xấu, tránh đặt niềm tin vào nhầm người để rồi họ sẽ gây hại tới chính bản thân, thậm chí là những người xung quanh.
Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty bị xử lý như thế nào?
Một trong những hành vi có liên quan đến câu thành ngữ "nuôi ong tay áo" trong thực tế là việc người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty nơi họ đang làm việc. Vậy:
Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?
Căn cứ khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) thì bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh và được xem là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, cụ thể bao gồm các hành vi sau:
- Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó.
- Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Xử lý đối với người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty
Căn cứ Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh sẽ bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó.
+ Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
- Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh.
+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của người lao động?
Căn cứ Điều 123 Bô luật Lao động 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của người lao động như sau:
- Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.
- Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
- Người sử dụng lao động phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động trong thời hạn quy định nêu trên.
Như vậy, câu thành ngữ "nuôi ong tay áo" muốn chỉ việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho người xấu phản chủ, rắp tâm hãm hại người trong gia đình. Câu thành ngữ là lời cảnh báo, nhắc nhở chúng ta cần cẩn trọng trước người ngoài, đừng vì lòng thương mà sẵn sàng giúp đỡ người khác để bị họ lợi dụng, hãm hại.