Mới đây, trên các trang báo đưa tin về việc một thanh niên 17 tuổi vì tránh chó lao ra đường nên đã té sông và bị cọc gỗ ven bờ đâm xuyên thấu ngực. Lại một lần nữa, hành vi thả chó chạy rông gây tai nạn làm dư luận bức xúc. Vậy, trong trường hợp thả chó ra đường gây tai nạn, người chủ phải chịu những trách nhiệm gì?
Để chó chạy rông ngoài đường có vi phạm pháp luật?
Tại khoản 2.1 mục 2 Phụ lục 15 Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì người nuôi chó, mèo phải tuân thủ quy định như sau:
- Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
Theo đó, người chủ cần rọ mõm hoặc xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng và cần có người dắt để đảm bảo an toàn cho người xung quanh.
Đối với hành vi vi phạm quy định này bị xử phạt như sau:
Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ) chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 01-02 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng, không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND và Trưởng công an cấp xã, phường.
Cụ thể, theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác thì còn có thể bị phạt từ 01-02 triệu đồng.
Bồi thường thiệt hại
Ngoài ra, đối với các trường hợp chó dữ tấn công người khác gây tổn hại sức khỏe, tài sản thì tùy theo mức độ tổn hại mà chủ nuôi chó phải bồi thường cho người bị hại theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trường hợp chó nuôi gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác
Trường hợp chó nuôi gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác thì chủ chó cần tiến hành bồi thường căn cứ tại Điều 590 BLDS 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Trong trường hợp dẫn đến hậu quả chết người, chủ nuôi chó phải bồi thường thiệt hại do súc vật mình nuôi gây ra theo Khoản 1 Điều 591 BLDS 2015 quy định về “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm” và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần theo khoản 2 Điều này.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sơ suất trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người “Tội vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.