“Đi làm thêm” là một cụm từ quá quen thuộc và gần gũi đối với các bạn sinh viên. Phục vụ, phụ bếp, pha chế,… là những công việc làm thêm phổ biến trong sinh viên, bởi vừa không đòi hỏi kinh nghiệm, bằng cấp vừa có thu nhập khá ổn, có thể trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều quán ăn, chuỗi cà phê lớn trả lương cho nhân viên phục vụ của họ chỉ vào khoảng 17.000-21.000 đồng/giờ hoặc khoảng 6 triệu/tháng. Vậy mức lương này có đúng với quy định pháp luật không và nếu không thì mức xử phạt vi phạm là gì?
Hiện nay, nhân viên phục vụ tại nhiều ngành hàng ăn uống có thương hiệu tên tuổi lớn thường nhận lương 21.000 đồng một giờ hoặc khoảng 6 triệu đồng một tháng.
Tuy nhiên, đối với phần lớn các cửa hàng, quán nước chỉ trả cho nhân viên mức lương từ khoảng 17.000 đồng/giờ cho kỳ thử việc và 20.000-21.000 đồng/giờ cho nhân viên chính thức. Mức lương này thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ quy định.
Ngoài ra, theo một số khảo sát với nhân viên toàn thời gian, mức lương phổ biến là 6 triệu đồng một tháng, thấp nhất khoảng 3 triệu đồng tại một số đơn vị ở Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đăk Lăk...
Liệu mức lương này có đúng với quy định của pháp luật?
Theo khoản 1 điều 4 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Đồng thời, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Theo đó, quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 được chia thành mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ, quy định cho theo 04 vùng như sau:
- Về mức lương tối thiểu theo tháng:
+ Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng.
+ Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng.
+ Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng.
+ Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng.
- Về mức lương tối thiểu theo giờ:
+ Vùng I: 22.500 đồng/giờ;
+ Vùng II: 20.000 đồng/giờ;
+ Vùng III: 17.500 đồng/giờ;
+ Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Lưu ý:
- Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP .
Theo đó, mức lương mà người sử dụng lao động trả cho người lao động phải từ mức tối thiểu vùng trở lên tùy vào từng vùng mà có mức lương tối thiểu vùng theo quy định, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Như vậy, đối với một số trường hợp kể trên, có tồn tại hành vi vi phạm quy định pháp luật mà cụ thể là hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Mức xử phạt người sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
Căn cứ khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định như sau:
- Từ 20-30 triệu đồng đối với vi phạm từ 01-10 người lao động;
- Từ 30-50 triệu đồng đối với vi phạm từ 11-50 người lao động;
- Từ 50-75 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức vi phạm gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ).
Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Như vậy, theo quy định nêu trên, cá nhân sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng có thể bị phạt đối đa đến 75 triệu đồng. Trong trường hợp người trả lương là tổ chức, doanh nghiệp, mức phạt tối đa có thể lên đến 150 triệu đồng.