Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Cụ thể qua bài viết sau.
Nội dung GDQP sẽ được giảng dạy tại chương trình THCS như thế nào?
Theo Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, Thông tư nhằm hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi là trường tiểu học và trường trung học cơ sở), bao gồm: nội dung, phương pháp, hình thức, yêu cầu cần đạt và các điều kiện bảo đảm thực hiện việc lồng ghép.
Theo Điều 3 Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT nội dung lồng ghép sẽ là giáo dục, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh. Cụ thể nội dung GDQP và an ninh sẽ được lồng ghép trong trường THCS như sau:
- Cấp trung học cơ sở sẽ thực hiện lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục đối với từng lớp, theo sách giáo khoa do nhà trường lựa chọn, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng địa phương, tập trung vào các môn học: Ngữ văn; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
- Chủ đề lồng ghép chung từ lớp 6 đến lớp 9:
+ Giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ lịch sử;
+ Bảo vệ chủ quyền biển, đảo;
+ Bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia;
+ Quyền lợi, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
+ Giới thiệu một số sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm;
+ Một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội;
+ Giới thiệu một số nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội đối với học sinh;
+ Chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước.
- Chủ đề lồng ghép theo từng lớp:
+ Lớp 6: giới thiệu lịch sử và truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; địa danh lịch sử gắn với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc; cách đánh mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
+ Lớp 7: giới thiệu hoạt động, hình ảnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
+ Lớp 8: giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; giới thiệu một số mốc quốc giới; tác hại của tệ nạn xã hội tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; trách nhiệm của học sinh tham gia phòng, chống bạo lực học đường.
+ Lớp 9: Hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược đối với dân tộc Việt Nam; một số hình ảnh về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; giới thiệu một số bài hát ca ngợi truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; trách nhiệm của học sinh tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, đối với từng cấp sẽ có từng nội dung giáo dục chung và riêng, lồng ghép trong thời lượng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, kế hoạch giáo dục của trường trung học cơ sở; bảo đảm đủ nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cần truyền đạt, không làm tăng thời lượng học của các môn học và hoạt động giáo dục.
Xem toàn văn: Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Yêu cầu học sinh THCS cần đạt sau khi được giảng dạy GDQP là gì?
Theo Điều 5 Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT, học sinh THCS sẽ cần phải đạt những yêu cầu sau:
- Yêu cầu chung
+ Về phẩm chất:
Hình thành, phát triển cho học sinh các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, chăm chỉ; ý thức, trách nhiệm của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
+ Về năng lực
Hình thành, phát triển cho học sinh các năng lực tự chủ, tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề sáng tạo thông qua các năng lực chuyên biệt: nhận thức về quốc phòng và an ninh ở mức độ đơn giản; vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào cuộc sống.
- Yêu cầu cụ thể
+ Hiểu biết về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc qua các thời kì lịch sử dựng nước và giữ nước;
+ Truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Công an Nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ;
+ Chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia;
+ Một số nội dung cơ bản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hình thành nhận thức về quốc phòng, an ninh ở mức độ đơn giản, trách nhiệm của học sinh đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật.
Như vậy, sau khi được giảng dạy chương trình GDQP, học sinh THCS phải đáp ứng được các yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể đối với cấp học như trên. Qua đó, giáo dục sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự tôn, tự hào dân tộc từ các em học sinh.
Xem toàn văn: Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.