Những năm gần đây, khi tình hình tai nạn giao thông trong cả nước gảim đi nhiều so với trước, tuy nhiên, số người tử vong do tai nạn giao thông vẫn là con số đáng kể và cần được quan tâm hơn nữa.
Việc ban hành văn bản quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông là điều cần thiết.
Bộ Công an vừa hoàn thành xong dự thảo Thông tư quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Theo đó, lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ khi đến hiện trường cần thực hiện những công việc sau:
1. Tổ chức cấp cứu người bị nạn
- Ghi nhận vị trí người bị nạn trước khi đưa đi cấp cứu; trường hợp sử dụng phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn để đưa người bị nạn đi cấp cứu thì phải sơ bộ ghi nhận vị trí của phương tiện, vị trí dấu vết trên phương tiện, tạm giữ giấy tờ của phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện trước khi đưa người bị nạn đi cấp cứu.
- Trường hợp người bị nạn đã chết thì phải đánh dấu vị trí, chụp ảnh, quay camera (nếu có) và che đậy người bị nạn; nếu người bị nạn đã chết ở vị trí gây ùn tắc giao thông thì sau khi đánh dấu vị trí, chụp ảnh, quay camera (nếu có) phải đưa người bị nạn vào lề đường, che đậy lại.
- Trường hợp đến hiện trường mà người điều khiển phương tiện, người bị nạn đã được đưa đi cấp cứu thì phải nắm lại việc đưa người đi cấp cứu ở cơ sở y tế nào và cử ngay cán bộ vào cơ sở y tế đó để xác minh nhân thân của nạn nhân liên quan đến vụ tai nạn, xem xét ban đầu tình trạng thương tích, bệnh án để có hướng xử lý phù hợp.
2. Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; kiểm tra nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác của người điều khiển phương tiện gây tai nạn
(Thực hiện theo Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA)
Trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn có thể gây ùn tắc giao thông thì ghi nhận vị trí của phương tiện, vị trí các dấu vết trên phương tiện rồi đưa phương tiện vào vị trí thích hợp để bảo vệ.
3. Khoanh vùng bảo vệ hiện trường
Có thể sử dụng dây căng xung quanh hiện trường hoặc đặt cọc tiêu hình chóp nón, biển báo, hàng rào chắn quanh nơi xảy ra tai nạn, có biện pháp bảo vệ tài sản của người bị nạn, hàng hoá trên phương tiện trong vụ tai nạn.
4. Thu thập thông tin
- Quan sát để phát hiện và ghi nhận sơ bộ các dấu vết, tang vật để lại trên hiện trường, trên các phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông; ghi nhận những thay đổi ở hiện trường trong quá trình tổ chức cấp cứu người bị nạn.
- Nắm tình hình, tìm những người biết thông tin về vụ tai nạn giao thông; ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, số điện thoại (nếu có), và đề nghị họ cung cấp thông tin về vụ tai nạn giao thông.
5. Tổ chức giao thông
- Nếu hiện trường không ảnh hưởng hay ảnh hưởng không nhiều đến việc lưu thông thì tổ chức hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc.
- Nếu hiện trường gây ra ùn tắc thì báo cáo lãnh đạo chỉ huy đơn vị mình, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông để giải quyết ùn tắc.
* Nếu người gây tai nạn bỏ chạy thì vẫn thực hiện các bước trên (trừ bước tổ chức giao thông).
* Nếu đến hiện trường, trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ Công An về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân.
6. Huy động, trưng dụng phương tiện
- Trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ trốn, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy thì thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu.
- Việc trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định.
- Nghiêm cấm lợi dụng việc huy động, trưng dụng phương tiện để nhằm mục đích vụ lợi, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Lưu ý: công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và nghiêm cấm lợi dụng nhiệm vụ được giao để tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ phải đáp ứng 3 điều kiện sau:
1. Có trình độ trung cấp Công an nhân dân hoặc tương đương trở lên. Đối với cán bộ được đào tạo ngoài ngành Công an thì phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân.
2. Có thời gian công tác trong lực lượng Cảnh sát giao thông từ 01 năm trở lên.
3. Đã được tập huấn nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo nội dung, chương trình tập huấn nghiệp vụ của Cục Cảnh sát giao thông và được Cục Cảnh sát giao thông cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.
Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Thông tư quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông tại file đính kèm.