Khi nhắc đến “thám tử tư” người ta thường nghĩ ngay đến Sherlock Holmes hay Edogawa Conan… nhưng thực tế nghề thám tử ngoài đời thực không hề giống trong truyện.
Ở Việt Nam, đây là một ngành nghề hoàn toàn mới lạ bởi trước khi Luật doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư 2014 ra đời và có hiệu lực. Nghề “thám tử tư” mà một ngành nghề kinh doanh bị cấm, bởi quan điểm chi có cơ quan nhà nước mới được tiến hành hoạt động điều tra.
“Doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Và theo danh mục này, thì nghề thám tử tư chính thức được “mở cửa”. Vì đây là ngành nghề mới nên sẽ có nhiều cái “lạ”. Nên mình dạo một vòng một số quốc gia cho phép kinh doanh ngành nghề này, nghề thám tử tư hoạt động như thế nào.
1. Nghề thám tử ở Mỹ
Ở Mỹ, luật pháp ở hầu hết các bang đều cho phép hoạt động điều tra tư nhân (thám tử tư). Điển hình là Bang Georgia, nghề thám tử tư có một cơ quan chuyên trách cấp bang nhằm điể phối và quản lý. Đứng đầu tổ chức này là người do Thống đốc Bang bổ nhiệm. Tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động thám tử như giải quyết khiếu nại, tố cáo… quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thám tử.
Để đăng ký kinh doanh ngành nghề này phải đáp ứng được 03 điều kiện và được kiểm tra rất gắt gao. 03 điều kiện đó là:
- Không tiền án, tiền sự,
- Không có tên trong danh sách nợ xấu
- Có kinh nghiệm công việc điều tra. (ở đây là kinh nghiệm trong công việc như làm cảnh sát, làm ở các công ty thám tử khác…) Tùy từng bang mà điều kiện về “thâm niên” sẽ khác nhau.
Không có giới hạn đối tượng khách hàng trong ngành nghề thám tử, tuy nhiên theo thống kê, ở Mỹ, đối tác của các công ty thám tử thường là những ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm, các luật sư…
2. Nghề thám tử ở Nga
Ở Nga, nghề thám thử chủ yếu phục vụ cho giới “phụ huynh” nhằm theo dõi con cái mình. Bao gồm những việc như, con cái chi tiêu tiền của cha mẹ vào mục đích gì, đi chơi với ai, bạn trai/gái của con mình là người như thế nào…
Phí dịch vụ này ở Nga rất đắt đỏ nên dịch vụ thám tử tư không dành cho người nghèo ở Nga. Pháp luật Nga cấm hành vi thu thập thông tin đời tư của các cá nhân tuy nhiên công việc của các thám tử có một cách lách luật khéo léo với lý do là họ đang thu thập những hành vi sai trái, có dấu hiệu phạm pháp nên không vi phạm pháp luật.
3. Nghề thám tử ở Pháp
Tại Pháp, nghề thám tử cũng là một nghề có thu nhập khá cao. Đối tượng phục vụ của các công ty thám tử ở nước này phần lớn là các đương sự đang tranh chấp tại tòa cần chứng cứ để giành phần lợi về cho mình, và vợ/chồng theo dõi việc ngoại tình của nửa kia. Những điều kiện hoạt động của ngành nghề này cũng được đặt ra khá gắt gao, tuy không giống như luật Pháp Mỹ về điều kiện về thâm niên kinh nghiệm, nhưng ở phần điều kiện về trang thiết bị, nghiệp vụ đào tạo ở Pháp được chú trọng. (Ở Pháp có trường đào tạo nghiệp vụ thám tử)
4. Việt Nam
Quay về Việt Nam, thực tế ngay cả khi nghề thám tử là ngành nghề bị cấm kinh doanh thì các doanh nghiệp hoạt động “chui” nghề này cũng mọc ra như nấm vì nhu cầu của xã hội ngày càng nhiều. Sau khi Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014 ra đời, mở cửa cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tự do hơn. Tuy nhiên trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm Luật đầu tư lại không có hoạt động này.
Không biết đây có phải là thiếu sót hay là ý đồ của các nhà làm luật có mục đích gì khác. Ở các nước tiêu biểu như mình kể trên, để kinh doanh ngành nghề này, những người thám tử phải đạt một trình độ nhất định về nghiệp vụ, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện về tính bảo mật, tài chính…
Còn ở Việt Nam thời điểm hiện tại chưa có quy định về điều kiện hoạt động ngành nghề này. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “thám tử tư” là hiện ra rất nhiều website của các công ty thám tử, người có nhu cầu tha hồ lựa chọn. Nếu không quy định về điều kiện kinh doanh của ngành nghề này, người có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ có rủi ro rất lớn về chất lượng dịch vụ, mức độ uy tín của các nơi mà họ tin dùng.
Để đảm bảo cho môi trường kinh doanh thật sự “sạch” và lành mạnh, thiết nghĩ quy định về điều kiện kinh doanh nghề thám tử tư cần thiết phải ban hành trong tương lai.