Thân chào các anh chị!
Các ý kiến của các anh chị rất hữu ích. Tuy nhiên, tôi cũng có ý kiến riêng của mình như sau:
1. Vấn đề đặt ra là “được xem là con chung của vợ chồng” trong 02 trường hợp mà chủ đề đặt ra:
Vấn đề này pháp luật quy định rõ ràng tại Điều 88 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Kể cả quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (đã hết hiệu lực). Luật cũng không có giải thích từ ngữ “Con chung” nhưng nội dung điều luật có nêu ra nên các trường hợp này là con chung của vợ chồng. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý Tên điều luật “Xác định cha, mẹ”. Tức là xác định cha hoặc mẹ cho đứa con được sinh ra trong những trường hợp được quy định tại điều luật này. Suy cho cùng thì việc, xác định cha, mẹ, con có ý nghĩa về mặt truyền thống đạo đức cũng như về mặt pháp lý để làm căn cứ giải quyết một vấn đề tiếp theo như là thừa kế hoặc nghĩa vụ cấp dưỡng chẳng hạn.
Điều 88 cũng quy định 02 trường hợp:
- Tại Khoản 1 quy định những trường hợp đương nhiên (nếu không có tranh chấp).
Trường hợp này đương nhiên là con chung của vợ chồng.
- Tại Khoản 2 quy định trường hợp không đương nhiên hoặc có tranh chấp.
Luật cũng không có quy định về việc công nhận là con chung của vợ chồng nếu một trong các bên không thừa nhận hoặc có tranh chấp mà chỉ có quy định về việc xác định cha, mẹ, con.
Như vậy, khẳng định rằng khái niệm “là con chung của vợ chồng” chỉ có trong trường hợp tại Khoản 1 Điều 88 hoặc Điều 94 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo).
2. Vấn đề mở rộng là đứa trẻ được sinh ra sẽ công nhận như thế nào:
Tôi nghĩ thực tế bạn quan tâm là người con được sinh ra từ tinh trùng của người “cha” đã chết trước đó có được pháp luật công nhận là con của ông ấy hay không (vì đương nhiên là con của người mẹ sinh ra).
- Thứ nhất: Theo dữ liệu chủ đề đưa ra thì người con được sinh ra vì mục đích truyền thống, thể hiện tình cảm của vợ chồng, gia đình rất sâu nặng. Do đó, về khía cạnh tình cảm và truyền thống, tôi nghĩ người con này sẽ được gia đình thừa nhận và thậm chí rất yêu thương và trân trọng.
- Thứ hai: Các quy định của pháp luật có công nhận hay không?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 93 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì “Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.”
Trong trường hợp này rõ ràng người vợ đã sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (mặc dù việc mang thai và sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết) thì pháp luật không đương nhiên công nhận quan hệ cha – con giữa người chồng đã chết và người con được sinh ra từ tinh trùng của người này.
Muốn được pháp luật công nhận thì phải nhờ vào thẩm quyền giải quyết của Tòa án bằng quyết định hoặc bản án theo các quy định như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 88, Điêu 101 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các quy định tại Khoản 4, 6 Điều 28, Khoản 10 Điều 29 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thẩm quyền xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này thuộc Tòa án.
“ Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.”
Về quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con được quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
“1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
2. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.”
3. Ý nghĩa của việc xác định cha cho con:
Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì dù Tòa án cũng công nhận con trong trường hợp như trên thì cũng không có nhiều ý nghĩa về mặt pháp lý mà chỉ có ý nghĩa về mặt tình cảm, truyền thống gia đình mà thôi.
Vấn đề này tôi xin bàn sau hoặc các anh chị có thể cùng thảo luận.
Trên đây là ý kiến của tôi, rất mong các anh chị có góp ý thêm.
Trân trọng!
Luật gia Võ Quốc Trị - Email: voquoctri84@gmail.com. Phone: 0903621658