Có được cải tạo xe ô tô không? Nếu xe ô tô đã cải tạo có được đăng kiểm không? Những trường hợp nào cải tạo xe ô tô sẽ bị từ chối đăng kiểm năm 2024? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc trên.
Đăng kiểm xe ô tô là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, kiểm định là việc kiểm tra, đánh giá lần đầu và định kỳ tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định.
Theo khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cơ giới bao gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Như vậy, đăng kiểm xe ô tô là hoạt động kiểm tra, đánh giá lần đầu và định kỳ tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định đối với xe ô tô.
Cải tạo xe ô tô là gì?
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 43/2023/TT-BGTVT: Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi đặc điểm của xe cơ giới quy định tại Phụ lục XI https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/phu-luc-XI.doc ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT (được sử đổi, bổ sung bởi Thông tư 43/2023/TT-BGTVT) dẫn đến không cùng kiểu loại với xe cơ giới trước cải tạo liền kề trước đó.
Như vậy, cải tạo xe ô tô là việc thay đổi các đặc điểm của xe dẫn đến việc không cùng kiểu loại với xe ô tô trước cải tạo liền kề trước đó.
Những trường hợp cải tạo xe ô tô bị từ chối đăng kiểm năm 2024
Theo quy định tại PHỤ LỤC VIII Thông tư 43/2023/TT-BGTVT, xe cơ giới có sự thay đổi vẫn được coi là xe cơ giới cùng kiểu loại nếu đáp ứng yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Phụ lục XI Thông tư 43/2023/TT-BGTVT và không thay đổi một trong các đặc điểm tại Phụ lục XI Thông tư 85/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 43/2023/TT-BGTVT) dưới đây:
- Loại phương tiện;
- Nhãn hiệu;
- Kích thước và khối lượng cơ bản của ô tô (sai lệch không vượt quá giới hạn sai số cho phép được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sai số cho phép và làm tròn số đối với kích thước, khối lượng của xe cơ giới, QCVN 12:2011/BGTVT);
- Số người cho phép chở kể cả người lái;
- Kiểu dáng, kết cấu của cabin, khung hoặc thân vỏ ô tô;
- Kiểu loại động cơ, hộp số, cầu chủ động;
- Loại nhiên liệu sử dụng;
- Hệ thống phanh: kiểu dẫn động, cơ cấu phanh;
- Hệ thống lái: kiểu cơ cấu lái;
- Hệ thống treo: kiểu hệ thống treo, kiểu kết cấu của bộ phận đàn hồi;
- Hệ thống chuyển động: kiểu loại cầu bị động;
- Thiết bị đặc trưng (nếu có): thiết bị chuyên dùng, cơ cấu chuyên dùng.
Như vậy, nếu xe ô tô cải tạo 01 trong 12 đặc điểm trên dẫn đến việc không cùng kiểu loại với xe ô tô trước cải tạo liền kề trước đó thì có thể sẽ bị từ chối đăng kiểm năm 2024.
Chạy xe ô tô chưa đăng kiểm bị phạt thế nào?
Theo khoản 5, khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP(được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vi: Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
Như vậy, nếu chạy xe ô tô mà không đăng kiểm sẽ bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng.
Chạy xe ô tô đã quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng mà chưa đăng kiểm lại sẽ bị phạt từ 3-4 triệu đồng.
Chạy xe ô tô đã quá hạn đăng kiểm từ 1 tháng trở lên mà chưa đăng kiểm lại sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng.