Đây là bảng giải đáp thắc mắc của Báo hải quan, hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích cho các bạn:
1. Các Nghị định thuế suất ưu đãi đặc biệt với 10 Hiệp định thương mại tự do mới (FTA) được ban hành năm 2016, tại sao sau một năm lại cần ban hành lại?
Các Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA giai đoạn 2016-2018, được xây dựng trên cơ sở Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN 2012 (gọi tắt là AHTN 2012).
Để đảm bảo tuân thủ cam kết quốc tế và thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai Danh mục AHTN 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 65/2017/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu Việt Nam theo AHTN 2017. Do đó, để thực hiện thống nhất Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và quy định tại Luật Hải quan, Chính phủ cần ban hành Nghị định mới ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA giai đoạn 2018-2022 trên cơ sở AHTN 2017.
- Danh mục AHTN 2017 gồm 10.813 dòng hàng ở cấp độ 8 số. So với Danh mục AHTN 2012, Danh mục AHTN 2017 đã tăng lên 1.255 dòng, giữ nguyên mô tả và mã số của 7.810 dòng, gộp 682 dòng; tách mã, chuyển mã và mở dòng với mô tả mới là 2.321 dòng. Theo đó biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cũng thay đổi tương ứng về số dòng thuế và một số mức thuế suất do bị gộp dòng thuế, chuyển mã và mở dòng thuế mới.
Tuân thủ nguyên tắc xây dựng thuế suất khi chuyển đổi trong các FTA, đối với các dòng hàng được gộp từ nhiều dòng hàng có mức thuế suất khác nhau, Bộ Tài chính đã thực hiện chi tiết dòng hàng đến cấp độ 10 số để giữ nguyên cam kết gốc .Tuy nhiên, việc tách dòng không khả thi về mặt kỹ thuật đối với một số nhóm hàng, dẫn đến thay đổi thuế suất.
2. Vì sao Chính phủ phải sửa Biểu thuế trong thời điểm này?
Ngày 28/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 109/NQ-CP phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 (Danh mục AHTN 2017) trong đó quy định “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Danh mục AHTN 2017”. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 109/NQ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 65/2017/TT-BTC về danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam với hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 (thay thế cho Thông tư 103/2015/TT-BTC).
Để thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN và thống nhất với quy định của Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Chính phủ phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung danh mục biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định này.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018-2025, phần lớn các Hiệp định thương mại (FTAs) sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và đạt đến mức độ xóa bỏ thuế quan. Theo đó, nhiều nhóm mặt hàng có cam kết lộ trình giảm thuế nhanh và thấp hơn nhiều so với mức cam kết WTO cũng như mức thuế MFN hiện hành. Vì vậy, có ý kiến đề nghị phải giảm mức thuế suất MFN nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thuế suất FTAs của thành phẩm với thuế suất MFN của nguyên liệu hoặc tăng mức thuế suất MFN đối với thành phẩm để khuyến khích sản xuất trong nước.
Hơn nữa, kể từ sau ngày 1/9/2016 (ngày có hiệu lực của Nghị định 122/2016/NĐ-CP), Bộ Tài chính đã nhận được một số kiến nghị sửa đổi thuế suất thuế XK, thuế NK từ các văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của các Phó Thủ tướng Chính phủ, từ kiến nghị của một số bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan Hải quan tổng hợp từ việc đánh giá thực hiện Biểu thuế XK, biểu thuế NK trong quá trình thực hiện quản lý thu thuế XK, thuế NK.
Từ các nội dung nêu trên, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan Hải quan, việc ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan trong thời điểm cuối năm 2017 là cần thiết.
3. Cho em hỏi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gỗ tròn, xẻ tươi áp dụng từ ngày 01/01/2018 là bao nhiêu % ạ?
Theo quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, thuế suất thuế NK ưu đãi (MFN) của mặt hàng gỗ xẻ thuộc nhóm 4407 và mặt hàng gỗ tròn thuộc nhóm 4403 đều là 0% (giữ nguyên như mức quy định của Nghị định 122/2016/NĐ-CP).
4. Chào anh chị. Tôi muốn hỏi 01/01/2018 tăng thuế nhập khẩu gỗ lên 5% thì áp dụng khi nộp thuế để thông quan hay khi hàng hóa của chúng tôi cập cảng về Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 8 Luật Thuế XK, thuế NK thì thời điểm tính thuế NK là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Trường hợp quý công ty NK mặt hàng gỗ thuộc đối tượng chịu thuế NK thì DN phải nộp thuế trước khi thông quan hàng hóa hoặc giải phóng hàng.
Trường hợp DN được áp dụng chế độ ưu tiên thì được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng trong tháng chậm nhất vào ngày thứ 10 của tháng kế tiếp theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế XK, thuế NK.
5. Được biết, trong Biểu thuế mới ban hành, Chính phủ bổ sung nhiều ưu đãi về thuế NK với linh kiện ô tô. Những sửa đổi này cụ thể như thế nào?
Nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ, tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP đã bổ sung Điều 7a quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế.
Theo đó, đối tượng áp dụng Chương trình ưu đãi thuế là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Điều kiện áp dụng Chương trình ưu đãi thuế gồm: Doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định tại điểm b.12 khoản 3.2 Mục I Chương 98 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP theo các tiêu chí về sản lượng và mẫu xe; Linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.
6. Từ 01/01/2018 sẽ giảm thuế về 0% với ô tô nhập từ ASEAN, điều kiện để được giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô như thế nào?
Để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Hiệp định ATIGA, mặt hàng ô tô phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 4 về “Điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt” tại Nghị định 129/2016/NĐ-CP và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 129/2016/NĐ-CP, cụ thể:
(i) thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này;
(ii) được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN;
(iii) được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu là các nước thành viên của Hiệp định;
(iv) đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Mẫu D do Bộ Công Thương quy định.
7. Một chiếc Kia Picanto bên nước ngoài "đã" bao nhiêu thì nhìn sang chiếc Kia Morning ráp trong nước chán bấy nhiêu! Tăng thuế xe cũ thì 1 chiếc Picanto nhập lướt giá có thể bằng 1 chiếc xe phân khúc B hoặc C trong nước rồi. Thật sự quá đắt đỏ! Nhà nước có cần vì bảo hộ trong nước mà cắt mất ước mơ của người tiêu dùng không?
Thực hiện cắt giảm thuế NK trong Hiệp định thương mại tự do trong khối ASEAN, từ ngày 1/1/2018, thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc các loại sẽ giảm xuống 0%. Việc thực hiện cam kết này dự kiến sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường ô tô Việt Nam và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (trong 6 tháng đầu năm 2017, số lượng NK ô tô từ ASEAN đã tăng đột biến, tăng 50,4% về lượng và tăng 82,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016).
Dự báo, sau năm 2018, lượng xe con NK từ các nước ASEAN vào Việt Nam còn tiếp tục tăng do thuế NK ưu đãi đặc biệt giảm về 0% và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000CC trở xuống sẽ giảm từ 45% xuống 40% và từ 40% xuống 35%. Điều này đã làm cho tâm lý khách hàng chờ mua xe sau ngày 1/1/2018 dẫn đến thị trường tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng. Sản lượng bán hàng của các DN cũng giảm theo. Việc sụt giảm sản lượng sản xuất và bán hàng sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động trực tiếp trong ngành ô tô, tác động bất lợi đến thu ngân sách địa phương tại các tỉnh có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.
Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành của Chính phủ về ngành công nghiệp ô tô để đánh giá toàn diện những khó khăn, thách thức của ngành do tác động của việc hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc hội cũng có Nghị quyết nêu rõ định hướng cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2035; xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017 cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành ô tô đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Để triển khai được những chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ, Quốc hội, cần có những chính sách để khuyến khích cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển. Một trong những giải pháp đó là tăng thuế NK đối với xe ô tô đã qua sử dụng để hạn chế NK chủng loại xe này, đồng thời Chính phủ cũng có chính sách khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sản xuất, lắp ráp các xe gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và có giá thành cạnh tranh được với xe NK.
8. Em sẽ nhập khẩu từ Hàn Quốc các sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, xin hỏi thuế nhập khẩu cho các loại hàng hoá này là bao nhiêu? Có trường hợp nào để được miễn/giảm thuế cho các mặt hàng này không?
Trường hợp DN NK hàng hóa từ Hàn Quốc, để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định FTA Việt Nam- Hàn Quốc hoặc FTA ASEAN-Hàn Quốc, DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 4 Nghị định 130/2016/NĐ-CP và Nghị định 131/2016/NĐ-CP.
Từ ngày 1/1/2018, Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định thay thế Nghị định 130 và 131 để thực hiện các cam kết trong Hiệp định FTA cho giai đoạn 2018- 2022, trong đó có hàng trăm dòng thuế được cắt giảm thuế suất ưu đãi đặc biệt về 0% với các điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt không thay đổi so với các quy định tại Nghị định 130 và 131.
Do đó, đề nghị DN nghiên cứu các quy định tại các Nghị định này để áp dụng mức thuế suất ưu đãi cho hàng hóa dự kiến XNK.
9. Vừa rồi mình giảm thuế NK nhiều mặt hàng từ Nhật về khiến cho các cửa hàng, siêu thị Nhật mọc lên như nấm. Nếu năm sau tiếp tục giảm thì liệu hàng Việt Nam có "đọ" lại nổi không? Mình đã tính toán cái này kỹ lưỡng chưa kẻo ảnh hưởng đến các DN Việt?
Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định AJCEP và VJEPA. Các Hiệp định này được đàm phán và ký kết (có hiệu lực vào năm 2008 đối với Hiệp định ASEAN-Nhật Bản và vào năm 2009 đối với Việt Nam - Nhật Bản) trên cơ sở phù hợp với Luật ký kết điều ước quốc tế. Theo đó, các cam kết về thuế được xây dựng sau khi lấy ý kiến rộng rãi của bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Giai đoạn năm 2016-2018, theo cam kết tại các Hiệp định, thuế suất trung bình nhập khẩu của Việt Nam đối với các mặt hàng từ Nhật Bản đủ điều kiện được hưởng thuế suất ưu đãi là: Năm 2016 là 6,2%;,năm 2017 là 5,6%, năm 2018 dự kiến là 4,2%. Theo đó, việc giảm thuế thực hiện giảm dần đều qua các năm.
Trong quan hệ thương mại Việt Nam-Nhật Bản, hiện nay cơ bản đạt thương mại cân bằng. 9 tháng đầu năm kim ngạch XNK hai chiều là 11 tỷ USD, trong đó Việt Nam NK là 13,41 tỷ USD, XK là 13,7 tỷ USD.
10. Tôi muốn hỏi thuế mã HS 39023090 của năm 2018 có phải tăng lên 3% không?
Theo quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 thì mặt hàng thuộc mã số 3902.30.90 có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 3% (tăng từ 0% lên 3% so với mức thuế suất của mã số này tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016).
11. Kể từ ngày 1/1/2018, Nghị định mới cùng với Biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực cho giai đoạn 2018 - 2022, thay thế cho Nghị định 131/2016/NĐ-CP. Vậy xin hỏi, Biểu thuế mới có gì thay đổi so với Biễu thuế cũ và tác động như thế nào đối với doanh nghiệp nhập khẩu?
Nguyên tắc xây dựng biểu thuế là bám sát cam kết tại Hiệp định nên về cơ bản thuế suất không thay đổi so với lộ trình đã cam kết. Tuy nhiên, do tác động của việc nhập dòng thuế và việc tuân thủ quy tắc không làm xói mòn cam kết thuế của Hiệp định, một số dòng thuế sau khi nhập dòng có mức thuế suất thấp hơn so với Nghị định 131/2016/NĐ-CP, đồng thời phương án xử lý thuế đối với các dòng gộp khác thuế suất theo AHTN 2017 đòi hỏi chi tiết hoá thêm một số dòng thuế ở cấp độ trên 8 số để bảo lưu cam kết gốc của Việt Nam tại các Hiệp định.
Về cơ bản, phần lớn các mã hàng trong Biểu thuế không thay đổi so với Biểu thuế theo Nghị định số 131/2016/NĐ-CP hiện hành. Như vậy, việc ban hành Nghị định cơ bản không phát sinh tác động đến việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA đồng thời đảm bảo tính ổn định của biểu thuế ưu đãi đặc biệt.
Danh mục AHTN 2017 cấu trúc lại một số nhóm hàng, phân nhóm hàng, chi tiết thêm một số dòng hàng mới, những thay đổi này mục đích là để phù hợp với sự phát triển công nghệ và trao đổi thương mại quốc tế, thực hiện các cam kết theo các công ước, hiệp ước nhằm bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh thế giới, kiểm soát hóa chất, vũ khí độc hại…về cơ bản những thay đổi này không ảnh hưởng đến chính sách quản lý thuế hiện hành. Đối với các mặt hàng mới và dòng hàng bị gộp từ nhiều dòng thuế có sự khác biệt về thuế suất và lộ trình cam kết cắt giảm thuế quan, Bộ Tài chính đã rà soát các cam kết gốc và thực hiện theo nguyên tắc chuyển đổi trong quá trình xây dựng Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VKFTA giai đoạn 2018 – 2022 theo Danh mục AHTN 2017 để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến thu ngân sách, không tác động đến các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, chính sách quản lý mặt hàng và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu. Một số nhóm hàng chính có sự thay đổi thuế suất khi chuyển đổi Biểu thuế VKFTA theo AHTN 2017 bao gồm: cồn, sơn và véc ni công nghiệp, băng dính công nghiệp, lốp cao su, giấy, thép, màn hình và máy chiếu, mạch điện tử tích hợp, ô tô các loại, tàu thuyền đánh bắt chế biến thủy sản, nhà lắp ghép và chân đế các loại....
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định VKFTA, mức thuế suất bình quân dự kiến cắt giảm từng năm cho giai đoạn 2018 – 2022 tính trên tổng biểu thuế hiện hành là: 4,47% trong năm 2018, 4,43% trong năm 2019, 4,40% trong năm 2020, 3,81% trong năm 2021) và 3,79% trong năm 2022.
12. Nhóm 27.10 tại số thứ tự 73 của Biểu thuế XK ban hành kèm theo Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 là ”Xăng, dầu các loại”, có khung thuế XK từ 0-40%. Tuy nhiên, mô tả hàng hóa của nhóm 27.10 tại Biểu khung thuế XK chưa phù hợp với mô tả hàng hóa theo Danh mục HS 2017, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2018. Điều này có thể dẫn tới cách hiểu khác nhau về phạm vi của nhóm 27.10 tại Biểu khung thuế XK.
Hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016QH13, trong đó có danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế XK đối với từng nhóm hàng chịu thuế, để đáp ứng tình hình thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp Danh mục biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN.
Mô tả hàng hóa của nhóm hàng mà bạn nêu cũng là một trong các nội dung Bộ Tài chính dự kiến đề xuất sửa đổi lần này.
13. Xin cho hỏi, biểu thuế mới đã khắc phục được tình trạng sai sót về mã số HS chưa? HS code của các nhóm hàng có gì thay đổi so với biểu thuế các năm trước đây?
Thứ nhất, việc xây dựng các mức thuế XK, NK tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP phải thực hiện theo đúng nguyên tắc ban hành Biểu thuế XK, Biểu thuế NK của Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13. Hai trong số những nguyên tắc đó là: (1) Đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế; (2) áp dụng thống nhất mức thuế suất đối với hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật tương tự; thuế suất thuế NK giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô; thuế suất thuế XK tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô.”
Thương mại hàng hoá trên thế giới ngày càng phát triển và đa dạng về chủng loại hàng hoá dẫn đến thuế suất MFN của một số mặt hàng có cùng bản chất, cấu tạo hoặc trong cùng một nhóm tại Biểu thuế MFN vẫn còn có sự chênh lệch.
Vì vậy, biểu thuế NK ban hành kèm theo Nghị định 125/2017 đã được sửa đổi để thống nhất các mức thuế suất thuế XK, thuế NK ưu đãi đối với các mặt hàng có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật tương tự nhằm góp phần khắc phục tình trạng khó khăn trong công tác phân loại áp mã (sai sót về mã HS).
Việc sửa đổi thuế suất nêu trên chỉ là giải pháp góp phần tạo thuân lợi cho công tác phân lợi, còn việc phân loại, áp mã HS cần thực hiện theo quy định về phân loại hàng hóa tại Điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 1 năm 2015 và theo các nguyên tắc phân loại quy định tại Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 1 năm 2015.
Về thay đổi mã HS tại Biểu thuế mới: Danh mục biểu thuế NK ban hành kèm theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP gồm 10.813 dòng hàng ở cấp độ 08 chữ số tăng 1.255 dòng so với danh mục HHXNK 2012 (giữ nguyên mô tả và mã hàng của 7.810 dòng, gộp 682 dòng; tách mã, chuyển mã và bổ sung dòng hàng mới 2.321 dòng). Danh mục hàng hóa XNK mới bổ sung thêm một số dòng mới để cập nhật thay đổi về công nghệ, thương mại, kiểm soát an ninh lương thực, các chất ảnh hưởng đến môi trường...; xóa một số dòng có kim ngạch thương mại thấp; mô tả lại một số đòng để rõ phạm vi, xử lý vướng mắc về phân loại thực tế. Theo đó một số nhóm mặt hàng có thay đổi về mã số HS so với biểu thuế cũ như nhóm ngành hàng ô tô, thủy sản, thuốc trừ côn trùng, diệt nấm, diệt cỏ, gỗ, cao su, dệt may, gốm sứ...
14. Cho hỏi kim ngạch NK của gỗ từ Chile vào Việt Nam được hưởng thuế ưu đãi khoảng bao nhiêu?
Gỗ là mặt hàng chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch NK của Việt Nam từ Chile. Trong 9 tháng 2017 tổng kim ngạch NK gỗ từ Chile vào Việt Nam ước đạt 51,9 triệu USD trong tổng kim ngạch NK là 208,27 triệu USD.
Tỉ lệ được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa NK từ Chile theo Hiệp định FTA Việt Nam-Chile trung bình là 5,9%. Riêng đối với mặt hàng gỗ, tỉ lệ này trong năm 2016 ước là 0,27%.
15. Tôi đọc Báo Hải quan thì được biết tới đây gần 200 dòng thuế bị điều chỉnh thuế suất do chuyển đổi danh mục và thay đổi mô tả hàng hóa, thậm chí có mặt hàng bị tăng thuế tới 10%. Tại sao lại thế? Theo tôi các mặt hàng đó dù thay tên đổi họ thì vẫn là nó. Mong được giải thích cụ thể hơn.
Danh mục biểu thuế NK ban hành kèm theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, gồm 10.813 dòng hàng ở cấp độ 08 chữ số, tăng 1.255 dòng so với danh mục hàng hóa XNK 2012 (giữ nguyên mô tả và mã hàng của 7.810 dòng, gộp 682 dòng; tách mã, chuyển mã và bổ sung dòng hàng mới 2.321 dòng). Vì vậy, khi chuyển đổi danh mục biểu thuế NK ưu đãi cần phải thực hiện chuyển đổi thuế suất thuế NK ưu đãi theo các nguyên tắc lựa chọn thuế suất như sau:
+ Đối với các dòng gộp (một mã hàng/dòng thuế mới được gộp từ nhiều hơn một mã hàng/dòng thuế cũ): Lấy theo mức thuế suất phù hợp cam kết WTO thấp nhất của các dòng gộp. Ví dụ: dòng thuế A (có mức thuế suất là 3%, cam kết WTO là 6%) được gộp từ 03 dòng thuế B (có mức thuế suất là 3%, cam kết WTO là 5%), C (có mức thuế suất là 5%, cam kết WTO là 7%) và D (có mức thuế suất 10%, cam kết WTO là 10%). Với nguyên tắc nêu trên thì mức thuế suất mới của dòng thuế A là 5% = mức cam kết thấp nhất của các dòng gộp. Trường hợp dòng thuế bị gộp có các mức thuế suất MFN chênh lệch lớn (trên 10%) và có kim ngạch lớn, tác động đến sản xuất trong nước và số thu NSNN thì sẽ chi tiết riêng sang Chương 98.
+ Đối với các dòng tách mã hàng (từ 1 mã hàng cũ tách thành nhiều hơn 1 mã hàng mới): Lấy theo mức thuế suất hiện hành của mã bị tách cho các mã hàng/dòng thuế mới và phù hợp cam kết WTO. Ví dụ, dòng thuế A (có mức thuế suất là 3%, cam kết WTO 3%) bị tách thành dòng thuế B và C. Với nguyên tắc nêu trên thì mức thuế suất của dòng thuế B và C đều là 3%.
Theo nguyên tắc như trên, có 151 dòng thuế mới được gộp từ các dòng thuế có mức thuế suất khác nhau nên có sự thay đổi.
16. Cho em hỏi về thuế xe nhập Đông Nam Á và xe nhập ngoài Đông Nam Á có chênh lệch nhiều không ạ?
Mức thuế suất NK ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ (nhóm 8703) đủ điều kiện được hưởng từ các nước ASEAN giảm xuống còn 0% từ 1/1/2018 theo quy định tại Nghị định 129/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong khi đó, thuế suất ưu đãi (thuế MFN) đối với nhóm mặt hàng này được quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ từ 51% đến 70%.
17. Kính gửi: Ban biên tập Báo Hải quan. Năm 2018 có chính sách thuế XNK thay đổi, tôi xin có một vài câu hỏi như sau: Doanh nghiệp nhập máy móc, thiết bị đầu tư lắp ráp, xây nhà xưởng có được miễn thuế nhập khẩu hay không. Nếu được có cần làm thủ tục gì thêm. Rất mong nhận được phản hồi trong buổi giao lưu trực tuyến.
Tại Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK 107 đã quy định chi tiết các trường hợp được miễn thuế NK, đề nghị bạn đối chiếu quy định nêu trên để xác định trường hợp của DN mình có thuộc đối tượng được miễn thuế NK hay không.
Về thủ tục miễn thuế, đề nghị áp dụng theo quy định tại Điều 30 và 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế XK, thuế NK.
18. Cho tôi hỏi, việc giảm thuế linh kiện lắp ráp ô tô về 0% lần này có áp dụng với các dòng xe tải không hay chỉ xe chở người?
Chương trình ưu đãi thuế NK đối với linh kiện ô tô là: Giảm thuế NK đối với linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được áp dụng đối với linh kiện NK để sản xuất, lắp ráp các nhóm xe sau: (i) Nhóm xe du lịch: là dòng xe chở người từ 9 chỗ trở xuống đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 (từ năm 2022 trở đi); (ii) Nhóm thương mại: là dòng xe chở người từ 10 chỗ đến 19 chỗ ngồi (xe mini buýt) hoặc xe chở người từ 20 chỗ ngồi trở lên (xe buýt/xe khách) thuộc nhóm 87.02 và xe có động cơ dùng để vận tải hàng hoá và xe chuyên dùng (xe tải) có động cơ thuộc nhóm 87.04 và 87.05 đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 t(ừ năm 2022 trở đi).
19. Cho tôi xin hỏi thêm là hồ sơ, thủ tục để được nhập linh kiện xe ô tô 0% có phức tạp lắm không ạ? Cụ thể như nào?
Tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 6/11/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định bổ sung Điều 7a về thuế suất thuế NK ưu đãi đối với linh kiện ô tô NK theo Chương trình ưu đãi thuế:
Về đối tượng và điều kiện áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 7a mới.
Về hồ sơ và thủ tục được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 7a mới.
20. Dear Anh/ Chị! Em có một số thắc mắc về áp dụng biểu thuế mới theo Nghị định 125 và Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Nghị định 125 là biểu thuế XNK ưu đãi, nếu doanh nghiệp áp dụng theo biểu thuế này thì thuế suất nhập khẩu là 0%, nhưng nếu áp theo biểu thuế tại phụ lục đi kèm của Quyết định số 45 thì sẽ là 5%. Như vậy thì doanh nghiệp sẽ áp dụng theo biểu thuế nào ạ? Em chỉ hiểu là năm 2016, có Nghị định 122 ra thì đi kèm là Quyết định 36 về thuế suất thông thường hàng nhập khẩu (thuộc phụ lục II của Nghị định 122), thì năm 2017 cũng vậy, ra Nghị định 125 dành cho biểu thuế XNK ưu đãi thì có Quyết định 45 là áp dụng thuế suất thông thường cho hàng nhập khẩu (thuộc phụ lục II của Nghị định 125). Như vậy DN có áp dụng theo biểu thuế XNK ưu đãi của Nghị định 125 ko ạ? Nếu xuất xứ hàng hóa đáp ứng thuộc các nước, vùng lãnh thổ có đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam ( MFN). Kính mong anh/chị xem xét và giải đáp thắc mắc giúp em. Em cám ơn!
Nghị định 125/2017/NĐ-CP là nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP, vì vậy khi thực hiện cần phải thực hiện theo quy định của cả hai nghị định này. Quyết định 45/2017/QĐ-TTg là quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 36/2016/QĐ-TTg, vì vậy khi thực hiện phải thực hiện theo quy định của cả hai quyết định này.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật thuế XNK số 107/2016/QH13:
Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa NK có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước đáp ứng Điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa NK không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật này để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường.”
Theo đó, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ là quy định mức thuế NK ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa NK có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước đáp ứng Điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
Còn Quyết định 45/2017/QĐ-TTg quy định mức thuế suất thông thường 5% đối với các dòng thuế có mức thuế NK ưu đãi 0% quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 Luật thuế XNK 2016
Trường hợp DN bạn NK hàng hóa đáp ứng xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì áp dụng mức thuế suất NK ưu đãi quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP.
21. Bên em là doanh nghiệp chế xuất cần đặt gia công ở nước ngoài, anh chị vui lòng cho em hỏi chính sách thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu là như thế nào ạ? Em được hướng dẫn là phải nộp thuế nhập khẩu với phí gia công tại nước ngoài ạ. Em cảm ơn!
Theo quy định tại Luật Thuế XK, thuế NK 107 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP, hàng hóa XK từ thị trường trong nước vào DN chế xuất và hàng hóa NK từ DN chế xuất vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế XK, thuế NK.
Trường hợp DN của bạn là DN chế xuất đặt gia công ở nước ngoài thì không thuộc đối tượng quy định nêu trên.
22. Từ 01/01/2018 sẽ giảm thuế về 0% với ô tô nhập từ ASEAN. Thế nhưng Chính phủ lại vừa ban hành Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô. Các quy định của Nghị định này trở thành chướng ngại khiến các hãng không thể đưa xe nhập khẩu về Việt Nam. Đây chính là bài toán ngăn cản làn sóng nhập khẩu ô tô để cứu ô tô nội địa? Theo ông/bà, điều này tác động thế nào đến thị trường ô tô nhập khẩu? nhất là người tiêu dùng bởi giá các dòng xe nhập khẩu sẽ tăng cao khi các dòng xe này khan hiếm?
Nghị định 116/2017/QĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Chính phủ ban hành ngày 17/10/2017, dựa trên đề xuất của liên Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó đề nghị ban đọc phản ánh vấn đề thắc mắc với các bộ, ngành liên quan.
23. Đến bao giờ thì rượu bia của các nước trong khối Á- Âu sang Việt Nam được hưởng thuế 0%?
Theo cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng rượu bia trong Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên (VN-EAEU FTA), Việt Nam chỉ cam kết đối với một số mặt hàng rượu vang và bia với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm (0% vào năm 2025).
Thuế suất NK rượu vang năm 2018 là 31,8%, bia là 22,3%.
24. Theo công văn 11567/TCHQ-TXNK thì đối với phế liệu của hàng SXXK nếu chuyển tiêu thụ nội địa doanh nghiệp phải kê khai thuế với cơ quan Hải quan. Vậy theo chính sách mới từ 01/01/2018 thì khi chuyển tiêu thụ nội địa phế liệu của hàng SXXK chúng tôi có phải kê khai thuế với cơ quan Hải quan hay không?
Hiện nay, về chính sách thuế đối với phế liệu, phế phẩm của hàng sản xuất XK thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP và việc kê khai thay đổi mục đích sử dụng chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.
Từ ngày 01/01/2018, việc kê khai thuế đối với phế liệu của hàng sản xuất XK vẫn thực hiện theo các quy định nêu trên.
25. Người dân chúng tôi luôn thắc mắc rằng, để "hứa hẹn" với 10 đối tác ở 10 hiệp định thương mại, hẳn Việt Nam cũng phải "đánh đổi" được nhiều thứ từ họ. Ông/bà có thể cho chúng tôi biết rõ hơn những lợi ích đó không? Chứ như hiện nay, tôi chỉ thấy hàng ngoại tràn ngập thị trường, lấn át hết cả hàng nội địa.
Khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, cụ thể trên lĩnh vực thương mại, hàng hóa các đối tác hướng tới mục tiêu tự do hóa thương mại cùng có lợi. Trong 10 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, các nước đối tác cam kết giảm thuế cho hàng hóa của Việt Nam với tỉ lệ dòng thuế xóa bỏ thuế quan cơ bản cao hơn, với lộ trình ngắn hơn so với Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc các bên cùng có lợi cũng như nguyên tắc phù hợp với trình độ phát triển.
Việc đạt được cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của các nước đóng góp vào gia tăng XK của Việt Nam tới các thị trường này. Trong 11 tháng năm 2017, XK của Việt Nam đạt 193,8 tỉ USD, tăng 21,1% so với cùng kì năm 2016.
26. Thuế XNK thay đổi ảnh hưởng tới những ngành nghề hay nhóm hàng nào?
Theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP có một số thay đổi về thuế XNK như sau:
- Về mức thuế suất thuế XK: Sửa đổi thuế XK, mô tả hàng hóa, tiêu chí kỹ thuật của 9 nhóm mặt hàng (như nhôm ở dạng thanh, que, hình; gỗ; thanh đồng; xỉ ...).
- Về mức thuế suất thuế NK:
+ Sửa đổi thuế NK của 151 dòng thuế: 151 dòng thuế thay đổi thuế suất do chuyển
đổi danh mục tập trung vào một số nhóm mặt hàng như thủy sản, thuốc trừ côn trùng, diệt nấm, diệt cỏ, gỗ, lốp cao su, dệt may, gốm sứ, màn hình, máy chiếu, bộ nhớ, mạch điện tử, ô tô,..
+ Sửa đổi thuế NK, tiêu chí kỹ thuật của 33 nhóm mặt hàng (như mặt hàng nhôm chưa gia công, không hợp kim và hợp kim, than, ethanol nhiên liệu (E100), clinker, xi măng, sắt thép...);
+ Bổ sung thêm 05 nhóm vào Chương 98 (ví dụ: set top boxes, thuốc trị mụn trứng cá, kính quang học chưa được gia công về mặt quan học...) với mức thuế suất thuế NK ưu đãi riêng.
Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tại:
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Bieu-thue-xuat-nhap-khau-uu-dai-moi-ap-dung-tu-1-1-2018.aspx
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Thue-nhap-o-to-cu-chinh-thuc-tang-gap-doi-tu-2018.aspx
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Them-149-mat-hang-huong-thue-suat-thong-thuong-5.aspx
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Giam-thue-nhap-khau-ethanol-nguyen-lieu-xuong-17.aspx
27. Công ty tôi nhập khẩu nguyên liệu dược, chúng tôi muốn hỏi các anh chị về mã HS cho nguyên liệu Pantoprazole Sodium. Theo Thông tư số 45/2016/TT-BYT ngày 20/12/2016 của Bộ Y tế (ban hành Danh mục thuốc dùng cho người và mỹ phẩm NK vào Việt Nam đã được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xk, nk và Biểu thuế nk ưu đãi) thì mặt hàng Pantoprazole (các dạng) được áp số 2930.90.90 (thuế suất nk 0%). Tuy nhiên khi công ty chúng tôi làm thủ tục nhập khẩu, thì hải quan cửa khẩu yêu cầu chúng tôi áp mã 2942.00.00 (thuế suất nk 3%) Vậy trong trường hợp này công ty chúng tôi có được quyền áp dụng mã hàng hóa do cơ quan chủ quản là Bộ Y tế quy định hay không?
Việc thực hiện phân loại hàng hóa đối với hàng hóa XK, NK được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Hải quan, theo đó, khi tiến hành kiểm tra hải quan, cơ quan Hải quan xác định mã số hàng hóa căn cứ vào hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa NK hoặc kết quả phân tích giám định hàng hóa.
Đồng thời việc phân loại hàng hóa căn cứ vào Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và các quy tắc tổng quát về phân loại hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới.
28. Xin cho biết những mặt hàng nào nhập khẩu từ Trung Quốc được giảm thuế hoặc về 0% từ năm 2018?
Năm 2018 có khoảng 86% số dòng thuế có thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khung khổ Hiệp định ASEAN Trung Quốc ở mức 0%, trong đó có khoảng 600 dòng thuế giảm từ mức 5% hoặc 10% xuống 0%, từ 1/1/2018 gồm các mặt hàng: Thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế phẩm bánh kẹo, thực phẩm chế biến, hóa chất, nguyên liệu dệt, vải may mặc, tàu thuyền...
29. Theo thông báo từ 2018 thuế ô tô NK sẽ về 0%. Vậy tất cả các loại ô tô đều thế hay chỉ một số loại? Cụ thể là loại nào?
Ô tô NK từ các nước ASEAN đáp ứng đủ điều kiện được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% từ 1/1/2018 bao gồm toàn bộ các xe ô tô thuộc chương 87 (không bao gồm CKD).
30. Tôi muốn hỏi các Biểu thuế XNK đã ban hành chính xác những cái nào? Tôi thấy trên mạng đã đăng bán nhưng không biết có phải thông tin chính xác không. Sợ mua nhầm tra cứu sai rất rách việc. Quý Báo có thể cho biết địa chỉ hoặc thông tin nơi cung cấp Biểu thuế chính thức?
Hiện nay, trên thị trường có nhiều sách biểu thuế XN, NK do các nhà xuất bản khác nhau phát hành. Nội dung của các sách biểu thuế này là do nhà xuất bản chịu trách nhiệm. Thực tế, một số sách biểu thuế đã có sai sót.
Vì vậy, trong mấy năm gần đây, Vụ Chính sách thuế cũng phối hợp với một số nhà xuất bản để phát hành sách biểu thuế XK, NK. Đối với biểu thuế XNK áp dụng từ ngày 1/1/2018, bạn đọc có thể tìm cuốn sách Biểu thuế XK; Biểu thuế NK ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan và Biểu thuế áp dụng mức thuế suất thuế NK thông thường năm 2018 do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành (Nội dung do Vụ Chính sách thuế chịu trách nhiệm).
31. Các mặt hàng cá nhập từ Nhật về có được giảm thuế đợt này không?
Mặt hàng cá nhập từ Nhật Bản có thuế suất ổn định trong giai đoạn 2016-2018, 2018-2022 với mức thuế suất trung bình của mặt hàng cá (Chương 3) ở mức 6,8% (đối với AJCEP), 5,6% (đối với VJEPA).
32. Nếu mình nhập sữa từ New Zealand thì được hưởng thuế ưu đãi. Mặt hàng này có hạn chế kim ngạch NK không? Nếu có thì thuế ưu đãi kia có được áp dụng ngoài hạn ngạch không?
Mặt hàng sữa không thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan theo quy định.
Thuế suất ưu đãi đặc biệt và điều kiện được hưởng áp dụng đối với mặt hàng sữa được quy định tại Nghị định 127/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 và Nghị định thay thế Nghị định 127 dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2018.
33. Tôi là DN FDI tại Việt Nam, DN chúng tôi có nhu cầu tạm nhập 02 chiếc xe ô tô để sử dụng tại Việt Nam, xin hỏi chính sách thuế và phí đối với việc NK này như thế nào?
Theo quy định của Luật thuế XK, thuế NK năm 2016, DN tạm nhập hai xe ô tô không thuộc đối tượng được miễn thuế NK mà phải thực hiện nộp thuế NK theo quy định tại các biểu thuế ban hành kèm theo các nghị định của Chính phủ (tùy theo xuất xứ NK của xe). Khi tái xuất, DN được hoàn thuế NK theo quy định tại Điều 35, Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
DN phải nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xe dưới 24 chỗ ngồi khi tạm nhập và được hoàn thuế khi tái xuất theo quy định. Ô tô NK theo hình thức tạm nhập, tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế Giá trị gia tăng theo quy định của pháp thuế Giá trị gia tăng hiện hành. Ngoài các khoản thuế nêu trên, DN còn phải nộp thêm các loại phí và lệ phí đăng kiểm xe ô tô, lệ phí trước bạ theo quy định.
34. Nhập khẩu rượu vang từ các nước nào sẽ được ưu đãi thuế?
Một số sản phẩm rượu vang được cam kết cắt giảm thuế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tại thời điểm 1/1/2018, thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với sản phẩm rượu vang nằm trong khoảng 0% tới 80% tùy theo từng FTA. Ví dụ như: 0% trong ASEAN và ASEAN-Trung Quốc.
35. Công ty chúng tôi đăng ký Chương trình ưu đãi thuế linh kiện ô tô theo QĐ tại NĐ125 Hiện nay chúng tôi đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô Như vậy chúng tôi có được nộp hồ sơ cho cơ quan Hải quan để đăng ký tham gia chương trình không?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 125/2017/NĐ-CP bổ sung Điều 7a về thuế suất thuế NK ưu đãi đối với linh kiện ô tô NK theo chương trình ưu đãi thuế thì đối tượng để áp dụng chương trình ưu đãi thuế là DN đảm bảo tiêu chuẩn DN sản xuất lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Tại thời điểm đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế, thì hồ sơ đăng ký tham gia chương trình phải đáp ứng các điều kiện, quy định tại khoản 2 và 3 Điều 7a nêu trên, trong đó có quy định về việc xuất trình: Giấy chứng nhận DN đủ tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô hoặc giấy chứng nhận đầu tư, hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật của nhà máy để chứng minh công suất lắp ráp của nhà máy phù hợp với sản lượng chung tối thiểu hàng năm của chương trình.
36. Trong trường hợp có những sự bất đồng trong việc phân loại hàng hóa giữa cơ quan Hải quan và DN thì DN cần phải làm gì?
Căn cứ khoản 5 Điều 26 Luật Hải quan, trường hợp có ý kiến khác nhau trong việc phân loại hàng hóa giữa cơ quan Hải quan và DN thì:
Trường hợp cơ quan Hải quan không chấp nhận mã số do người khai hải quan khai thì có quyền lấy mẫu hàng hóa với sự chứng kiến của người khai hải quan để phân tích, trưng cầu giám định và quyết định mã số hàng hóa đối với hàng hóa đó;
Nếu người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân loại của cơ quan Hải quan thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
37. Chị gái tôi ở Mỹ có một chiếc xe đang sử dụng, muốn gửi về Việt Nam cho tôi. Nếu gửi về thì nghĩa là tôi phải nộp thuế nhập khẩu xe cũ với chiếc xe đó phải không?
Tại phụ lục III Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định về danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi chở xuống đã qua sử dụng.
Đề nghị quý bạn đọc tra cứu phụ lục III nêu trên để xác định mức thuế NK đối với xe ô tô NK đã qua sử dụng.