>>> Sổ tay kỹ năng tư vấn pháp luật
>>> Những sai sót thường gặp trong tư vấn pháp luật và cách khắc phục
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Đối với hợp đồng tư vấn đây được xem là một loại hợp đồng dịch vụ. Vì vậy theo Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 thì Hợp đồng dịch vụ tư vấn là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Vì bản chất là sự thỏa thuận giữa các bên, do đó hợp đồng tư vấn luôn tiềm ẩn những rủi ro pháp lý xảy ra mà có thể không hề báo trước. Để hạn chế về những rủi ro không mong muốn, bên kí kết cần phải sử dụng những kỹ năng cần thiết để phòng tránh những rủi ro này. Cụ thể các rủi ro khi soạn thỏa hợp đồng tư vấn có thể gặp như sau:
Thứ nhất, sai sót về thẩm quyền kí kết hợp đồng. Tức là các bên tưởng rằng mình có thẩm quyền ký kết hợp đồng nhưng thực chất mình không có thẩm quyền kí kết hợp đồng tư vấn đó. Cụ thể các Doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác có quyền tham gia ký kết hợp đồng tư vấn, nhưng để xác định được quyền hợp pháp đó và tư cách chủ thể của các bên thì cần phải có tối thiểu các thông tin sau để xác định thẩm quyền kí kết của mình:
– Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Tên, Trụ sở, Giấy phép thành lập và người đại diện. Các nội dung trên phải ghi chính xác theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp. Các bên nên xuất trình, kiểm tra các văn bản, thông tin này trước khi đàm phán, ký kết để đảm bảo hợp đồng ký kết đúng thẩm quyền.
– Đối với cá nhân: Tên, số chứng minh thư và địa chỉ thường trú. Nội dung này ghi chính xác theo chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc hộ khẩu và cũng nên kiểm tra trước khi ký kết.
Thứ hai, về mặt nội dung hay đối tượng của hợp đồng tư vấn theo Điều 514 Bộ luật dân sự 2015 phải là là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Nội dung tư vấn của hợp đồng tư vấn hoàn toàn do các bên thoả thuận và quyết định cho phù hợp với những điều kiện hoàn cảnh. Tuy nhiên, những thoả thuận đó phải không vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Thứ ba, về mặt hình thức của hợp đồng tư vấn. Hợp đồng tư vấn phải được thực hiện bằng văn bản. Đây là điều kiện bắt buộc của hợp đồng tư vấn. Để có một văn bản hợp đồng rõ ràng, chặt chẽ, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo được quyền lợi cho các bên, hạn chế tranh chấp và giảm thiểu rủ ro. Đòi hỏi các bên phải thận trọng, hiểu biết pháp luật và có kỹ năng, kinh nghiệm thực tế trong việc soạn thảo, đàm phán ký kết hợp đồng thương mại. Đồng thời ngôn ngữ diễn đạt phải ngắn gọn, rõ ràng, chính xác. Nên lưu ý kiểm tra lại hợp đồng để tranh sai sót về mặt nội dung, hình thức nhất là các lỗi do đánh sai chính tả hay do in ấn bị sai,…
Thứ tư, khi in hợp đồng tư vấn để kí kết cần lưu ý in và kí kết 4 bản trong đó mỗi bên giữ hai bản để đảm bào cho việc lưu trữ. Nếu cẩn thận hơn, có thể scan hợp đồng đã kí kết vào máy tính để phòng trường hợp có sự kiện bất khả kháng sảy ra.
Thứ năm, đây là điều một số người soạn thảo hợp đồng hay quên và không xem trọng. Đó là soạn thảo điều khoản chấm dứt hợp đồng hay còn gọi là điều khoản thanh lý hợp đồng. Điều khoản này sẽ cung cấp thông tin về cách thức chấm dứt hợp đồng trước khi dịch vụ được hoàn tất. Định rõ thông báo phải được gửi ra trước bao lâu và việc chấm dứt hợp đồng sẽ ảnh hưởng tới việc thanh toán như thế nào. Nếu không có điều khoản này. Các bên sẽ khó xác định được thời điểm chấm dứt hợp đồng và quyền và nghĩa vụ của các bên khi thanh lý hợp đồng. Đây là điều khoản mà các bên có thể lợi dụng để kéo dài hoặc hủy bỏ nghĩa vụ của mình khi hợp đồng kết thúc.
Trên đây là các lưu ý về rủi ro khi soạn thảo hợp đồng tư vấn mà mọi người có thể tìm hiểu trước khi soạn thỏa hợp đồng tư vấn.
Cập nhật bởi trucly260896 ngày 20/03/2018 10:55:57 CH