Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) các bên đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét yêu cầu đó.
Song trong quá trình hoạt động trọng tài, trọng tài có thể ban hành nhiều quyết định, ví dụ như quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên (khoản 1 Điều 43, Điều 58, 59 Luật TTTM)…
Do đó, việc phân biệt quyết định nào của trọng tài được coi là phán quyết trọng tài là rất cần thiết, có ý nghĩa trong thực tiễn hoạt động; bởi lẽ, Tòa án chỉ xem xét yêu cầu của đương sự về việc hủy phán quyết trọng tài khi xác định đúng quyết định nào đó của Hội đồng trọng tài là phán quyết trọng tài.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật TTTM thì: “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài”.
Như vậy, một quyết định của Hội đồng trọng tài chỉ được coi là phán quyết trọng tài khi nó chứa đựng hai yếu tố:
- một là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp;
- hai là quyết định này dẫn đến chấm dứt tố tụng trọng tài.
Khi một quyết định của Hội đồng trọng tài hàm chứa đủ cả hai yếu tố đó thì mới coi là phán quyết trọng tài và Tòa án mới có thẩm quyền xem xét yêu cầu hủy quyết định đó của Hội đồng trọng tài.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì có hai loại quyết định được xác định đó là phán quyết trọng tài:
1. Loại quyết định thứ nhất: Quyết định công nhận thỏa thuận của các bên của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 59 Luật TTTM.
Quyết định này được hình thành từ việc Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải giữa các bên tranh chấp để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.
2. Loại quyết định thứ hai: Quyết định trọng tài được ban hành, được ra đời trên cơ sở hoạt động xét xử của Hội đồng trọng tài sau khi đã giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp.
Đây chính là loại phán quyết trọng tài được quy định tại Điều 60 Luật TTTM, sẽ là đối tượng đương sự có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết.
Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM. Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn không được xem xét, giải quyết lại nội dung vụ tranh chấp mà trọng tài giải quyết, và chỉ hủy phán quyết trọng tài khi có các tài liệu, chứng cứ rõ ràng chứng minh phán quyết đã vi phạm một trong căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM.
Hãy theo đuổi sự ưu tứu, thành công sẽ theo đuổi bạn !