Những quyền lợi mới của người tiêu dùng sẽ được áp dụng từ 1/7/2024

Chủ đề   RSS   
  • #613657 04/07/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 515 lần


    Những quyền lợi mới của người tiêu dùng sẽ được áp dụng từ 1/7/2024

    Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, nhiều quy định mới để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ chính thức được áp dụng.

    Những quyền lợi mới của người tiêu dùng sẽ được áp dụng từ 1/7/2024

    (1) Thêm các đối tượng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

    Theo Điều 2 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 đã bổ sung nhóm đối tượng áp dụng quy định này.

    Theo đó, ngoài người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh, Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì quy định mới đã bổ sung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội và Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    (2) Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng

    Theo quy định mới đã bổ sung thêm các quyền của người tiêu dùng tại khoản 9 Điều 4 và điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023  bao gồm:

    - Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.

    - Được yêu cầu tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật

    Về nghĩa vụ, đã bổ sung thêm các nghĩa vụ của người tiêu dùng tại khoản 3, khoản 5 Điều 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 bao gồm:

    - Tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật

    - Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

    (3) 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

    Quy định mới đã bổ sung mới hoàn toàn khái niệm và 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, điều mà tại quy định trước đây chưa hề xuất hiện.

    Theo đó, khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 đã quy định người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:

    - Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;

    - Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

    - Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em;

    - Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

    - Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

    - Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật;

    - Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

    (4) Trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng.

    Luật mới đã bổ sung các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại điểm a khoản 1 Điều 9, Điều 15, điểm c khoản 2 Điều 30 và Điều 31 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 như:

    - Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 phải bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình bán, cung cấp cho người tiêu dùng;

    - Tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc ủy quyền, thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định.

    - Thời hạn tính lại bảo hành:

    + Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh thay thế linh kiện, phụ kiện thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện đó được tính lại từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện.

    + Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh đổi sản phẩm, hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa đó được tính lại từ thời điểm đổi mới sản phẩm, hàng hóa;

    - Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

    (5) Bổ sung các giao dịch đặc thù bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

    Quy định mới đã bổ sung các quy định về một số giao dịch đặc thù nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch tại Điều 37, Điều 39, Điều 41, Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 gồm:

    - Quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm bổ sung của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.

    - Quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục.

    - Bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng.

    Như vậy, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 đã bổ sung rất nhiều quy định nhằm hướng đến bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Trong đó, nổi bật là 5 điểm mới như trên.

    Việc bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương được thực hiện thế nào?

    Như đã phân tích ở phần trên, nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới hoàn toàn tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023. Theo đó, việc bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương được thực hiện theo khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 như sau:

    - Người tiêu dùng dễ bị tổn thương được bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan;

    - Tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định;

    - Khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan.

    Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định;

    - Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng;

    - Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và hướng dẫn người tiêu dùng dễ bị tổn thương cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm;

    - Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình tổ chức thực hiện trách nhiệm theo quy định và phù hợp với thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, từ 1/7/2024 thì việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng mới là người tiêu dùng dễ bị tổn thương sẽ được thực hiện theo quy định trên.

    Người tiêu dùng thông thường cũng đã có một số bất lợi khi tham gia quan hệ giao dịch tiêu dùng và cần có các quy định hỗ trợ, hơn thế nữa còn các trường hợp người tiêu dùng mang những yếu tố, hoàn cảnh, đặc tính bất lợi riêng còn phải chịu những bất lợi khác như về khả năng tiếp cận thông tin, về sức khỏe, về tài sản…

    Vì vậy, những quy định trên đã thể hiện sự hỗ trợ cho nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhằm đạt mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tối đa cho người tiêu dùng.

     
    322 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (26/09/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận