Muốn trở thành một công chứng viên, bạn không chỉ phải đáp ứng đủ các điều kiện và tiêu chuẩn bổ nhiệm mà còn phải biết rõ những quy định về xử phạt vi phạm liên quan đến nghề công chứng. Điều này giúp quá trình hành nghề thuận lợi, mang lại nhiều giá trị cho công việc, khách hàng và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Nghề công chứng là nghề có trách nhiệm cao, nhiều rủi ro như nạn giấy tờ giả, thiếu thông tin, người giả,… dẫn đến nhiều trường hợp các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên bị tòa án buộc bồi thường thiệt hại và bị Sở Tư pháp xử lý như phạt tiền, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và hành nghề.
Do đó, để tuân thủ đúng luật và tránh những rủi ro không đáng có xảy ra, người hành nghề công chứng cần nắm rõ những hành vi vi phạm và mức xử phạt cho mỗi hành vi. Qua đó, giúp công chứng viên không mắc phải những lỗi thường gặp hoặc mang tính răn đe nhắc nhở.
Những vi phạm hành chính liên quan đến công chứng là gì?
Hiện nay, nhận thức của người dân và tổ chức về việc đảm bảo an toàn pháp lý ngày càng được cải thiện. Do đó, nhu cầu tìm đến công chứng viên phổ biến hơn khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch.
Vi phạm hành chính diễn ra trong nhiều lĩnh vực mà công chứng chỉ là một cụ thể điển hình.
Việc nắm rõ quy định pháp luật rất quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực mà nghề công chứng lại càng quan trọng hơn. Cụ thể theo Khoản 2 điều 2 Luật công chứng năm 2014 quy định về công chứng viên như sau:
Khi công chứng viên có hành vi công chứng các giao dịch, hợp đồng sai quy định của pháp luật thì theo Luật công chứng 2014, công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nếu công chứng viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo đó, vi phạm hành chính liên quan đến công chứng là hành vi trái pháp luật, có lỗi (cố ý hoặc vô ý) do tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) có năng lực trách nhiệm pháp luật hành chính thực hiện, vi phạm các quy định về công chứng mà theo quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm hành chính.
Căn cứ vào các quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì có thể xác định các vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng bao gồm:
- Vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên; đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên (Điều 11);
- Vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch (Điều 12);
- Vi phạm quy định của công chứng viên khi nhận lưu giữ di chúc; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản (Điều 13);
- Vi phạm quy định của công chứng viên về công chứng bản dịch (Điều 14);
- Vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng (Điều 15);
- Vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 16);
- Vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 17).
Vi phạm thủ tục công chứng
Hành vi giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng; Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo.
- Phạt tiền: Từ 20-30 triệu đồng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm.
Hành vi gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch; Dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch.
- Phạt tiền: Từ 10-15 triệu đồng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm.
Không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Phạt tiền: Từ 07-10 triệu đồng;
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng.
Thứ tư: Sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng mà không thuộc trường hợp được sửa lỗi kỹ thuật theo quy định; Công chứng viên không tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định trong trường hợp có yêu cầu xác minh, giám định của người yêu cầu công chứng.
- Phạt tiền: Từ 07-10 triệu đồng.
Hành vi công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định; Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng; Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có phiếu yêu cầu công chứng.
- Phạt tiền: Từ 03 - 07 triệu đồng.
Hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp phiếu yêu cầu công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định.
- Phạt tiền: Từ 01-03 triệu đồng.
Hành vi vi phạm của công chứng viên
Hành vi công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà có căn cứ cho rằng việc để lại di sản hoặc việc hưởng di sản là không đúng pháp luật ngoài trường hợp.
- Phạt tiền: Từ 10-15 triệu đồng;
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hành vi vi phạm.
Hành vi công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết hoặc người thừa kế đã chết (nếu có); không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc; không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.
- Phạt tiền: Từ 10-15 triệu đồng.
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hành vi vi phạm.
Hành vi công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc thiếu chữ ký của người dịch vào từng trang của bản dịch hoặc không đính kèm bản sao của bản chính.
- Phạt tiền: Từ 7 triệu đến 10 triệu đồng.
Không tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình.
- Phạt tiền: Từ 3 triệu đến 7 triệu đồng.
Bài viết này cung cấp đến người đọc một số hành vi vi phạm hành chính điển hình và mức xử phạt vi phạm đối với công chứng viên. Qua đó giúp công chứng viên nắm rõ những mức xử phạt theo quy định và không vi phạm pháp luật.