Gửi tác giả:
Tôi có thêm một số ý kiến như thế này, nhìn chung sơ đồ tổng hợp trên khá đầy đủ nhưng chưa bao quát hết vấn đề:
* Thứ nhất: Ở phần Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ còn thiếu một số trường hợp như:
- "Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ"
Thực tế có rất nhiều người lao động không hiểu hết được thế nào là "có hoàn cảnh khó khăn...HĐLĐ"
- "Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước"
- "Bị tai nạn ốm đau đã điều trị 90 ngày liên tục", còn nói dài ngày thì chung chung quá
Và trong K1, Điều 37 BLLĐ 2012 có một trường hợp đặc biệt nhất đó là Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định y tế, đây là trường hợp duy nhất không phải tuân theo thời hạn báo trước trước khi nghỉ mà chỉ cần cung cấp được bằng chứng về việc nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé (chỉ định y tế hợp lệ)
* Thứ hai: thời hạn báo trước là thời gian làm việc hay thời gian gồm cả ngày nghỉ?
Riêng vấn đề này trước khi BLLĐ 2012 đã có rất nhiều đại biểu yêu cầu Bộ LĐ-TB và XH cùng Chính phủ quy định rõ, nhưng đến ngay cả Nghị định số 05/2015/NĐ-CP vừa rồi đã bỏ ngỏ thời gian báo trước này.
Thực tế có nhiều doanh nghiệp quy định thời hạn báo trước khi đơn phương nghỉ là 30 ngày làm việc (HĐLĐ có thời hạn) và 45 ngày làm việc (HĐLĐ không thời hạn). Nếu quy định như vậy thì số ngày báo trước đã vô tình được cộng thêm các ngày nghỉ nữa, nhiều khi lên 34 ngày hoặc 49 ngày (nếu trùng vào dịp nghỉ lễ thì còn dài thêm). Đó là chưa nói, ở các Khu công nghiệp ngày nghỉ hằng tuần của khối văn phòng và khối sản xuất là khác nhau.
Trân trọng!