Cho tôi hỏi các biện pháp nào được xem là biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình? Người bị bạo lực gia đình có được yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình cấm đến gần mình khoảng cách 100m không, thời gian cấm là bao lâu?
1. Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình gồm:
- Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;
- Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
- Cấm tiếp xúc;
- Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;
- Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình;
- Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;
- Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;
- Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư;
- Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng;
- Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
=> Theo đó, cấm tiếp xúc là một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Biện pháp này nhằm cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
2. Trường hợp đề nghị cấm tiếp xúc
Theo Điều 15 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định về các trường hợp đề nghị cấm tiếp xúc như sau:
- Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Việc đề nghị phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ban hành quyết định cấm tiếp khi nhận thấy có hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
=> Theo đó, người bị bạo lực gia đình có quyền đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc. Việc đề nghị cấm tiếp xúc được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc bưu chính hoặc điện tử.
Trường hợp là không phải người bị bạo lực gia đình mà là một tổ chức, cá nhân khác đề nghị thì phải thể hiện bằng văn bản theo mẫu số 06 ban hành kèm Nghị định 76/2023/NĐ-CP và phải được người bị bạo lực gia đình đồng ý cho phép đề nghị cấm tiếp xúc.
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 76/2023/NĐ-CP: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định 76/2023/NĐ-CP ban hành quyết định cấm tiếp xúc hoặc tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc.
Thời gian cấm tiếp xúc không quá 03 ngày cho mỗi lần quyết định cấm tiếp xúc.
3. Vi phạm quyết định cấm tiếp xúc
Theo Điều 19 Nghị định 76/2023/NĐ-CP, ngoại trừ các trường hợp được tiếp xúc trong thời gian thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo Điều 18 Nghị định 76/2023/NĐ-CP thì người bị xác định là vi phạm quyết định cấm tiếp xúc khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Đến gần người bị bạo lực gia đình trong phạm vi 100m mà không có tường ngăn hoặc vách ngăn bảo đảm an toàn;
- Không đến gần người bị bạo lực nhưng sử dụng điện thoại, thư điện tử hoặc phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình với người không được tiếp xúc.
Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của mình, người bị bạo lực gia đình có thể đề nghị UBND xã ra quyết định cấm tiếp xúc. Quyết định cấm tiếp xúc có thời hạn không quá 03 ngày, người bị cấm tiếp xúc không được đến gần người bị bạo lực gia đình trong phạm vi 100m mà không có tường ngăn hoặc vách ngăn bảo đảm an toàn.