Mình vừa đi dự hội thảo lấy ý kiến về BLLĐ sửa đổi (bản dự thảo số 0 – ngày 30/8/2018), trong hội thảo thì có khá nhiều thông tin hay, cả từ ban soạn thảo lẫn từ dự thảo cũng như các đại biểu và mình rất muốn chia sẻ lại những thông tin mình có được qua bài viết này. Hi vọng là mọi người sẽ cùng tham gia thảo luận vì đây là một trong những văn bản sát sườn chúng ta - dù cho bạn là bất cứ ai (NLĐ bình thường, bộ phận nhân sự, chủ sử dụng lao động).
Nội dung dự thảo thì mai mình sẽ up lên đây - còn tối nay chắc là mình sẽ chỉ nêu một số vấn đề (nêu từ từ cho đến khi nào hết).
Chương I – quy định chung
Trong chương này nổi bật nhất có lẽ là sự thay đổi về định nghĩa như thế nào là “người lao động” (kéo theo định nghĩa về quan hệ lao động):
Định nghĩa hiện tại: “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.” (k1 đ3 – BLLD 2012)
Định nghĩa dự thảo: “Người lao động là người làm việc theo thỏa thuận với người sử dụng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.”
Ý nghĩa của thay đổi: ban dự thảo muốn hướng đến tất cả những người đang làm việc mà không phải theo một văn bản gọi là “hợp đồng lao động” – vd như hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng chia sẻ lợi ích – hợp đồng của Grab, kinh doanh bất động sản (thậm chí là hợp đồng thuê kế toán hàng tháng – nếu ký với cá nhân – thì cũng sẽ có thể xem là HĐLĐ) … Theo đó, nếu một người làm việc cho một cá nhân/tổ chức theo sự thỏa thuận của 2 bên, có nhận được lương do làm công việc này và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của cá nhân/tổ chức đó thì người đó là NLĐ, và mối quan hệ giữa 2 bên sẽ là quan hệ lao động – tức là đi vào bản chất của mối quan hệ, chứ không phải nhìn vào hình thức của thỏa thuận tạo nên mối quan hệ đó.
Đánh giá cá nhân: ý định của dự thảo là tốt, tuy nhiên với câu chữ sử dụng trong dự thảo - không chỉ ở điều này mà còn ở điều 15 định nghĩa HĐLĐ là gì, điều 65 quy định về lương – thì sẽ làm cho định nghĩa này trở nên rất khó hiểu, khó xác định.
Điều 15 dự thảo về HĐLĐ: “Hợp đồng lao đông là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Điều 65 dự thảo về lương: “Lương là số tiền mà người lao động được hưởng theo hợp đồng lao động sau khi đã hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian nhất định (một giờ, một ngày, một tuần …”
Nếu theo định nghĩa dự thảo thì sẽ có 2 căn cứ chính để xác định NLĐ là “lương” và “chịu sự quản lý, điều hành, giám sát”: nếu có “lương” và “chịu sự quản lý, điều hành, giám sát” thì có quan hệ lao động. Tuy nhiên, như thế nào là lương ?
Nếu đọc 2 điều 15 và 65 thì sẽ thấy có vòng lặp về ngôn ngữ: thỏa thuận về làm việc có trả lương (và các điều kiện khác) là HĐLĐ – lương số tiền được hưởng theo HĐLĐ sau khi hoàn thành công việc. Vậy thì khái niệm nào sẽ dùng làm “gốc” để xác định các khái niệm còn lại ?
Tuy nhiên, đến phần thảo luận về lương thì rất nhiều đơn vị góp ý định nghĩa về lương, do đó ban soạn thảo có lẽ sẽ phải xem xét lại định nghĩa lương của mình (có thể sẽ quay lại định nghĩa hiện hành). Nếu như sửa lại được định nghĩa về lương thì có lẽ là vấn đề trên sẽ được giải quyết.
Bên cạnh định nghĩa NLĐ thì chương này còn có thêm một số vấn đề như:
- Thêm khái niệm “ban hợp tác hai bên người lao động – người sử dụng lao động”. Tuy nhiên, như trao đổi thì ban này có lẽ chỉ mới là dự tính, còn cần lấy ý kiến nhiều trước khi quyết định là có cho nó tồn tại hay không.
- Định nghĩa như thế nào là hành vi “phân biệt đối xử” – dự thảo đã có định nghĩa, tuy nhiên vẫn chưa chi tiết. Và theo như thông tin trong hội thảo thì việc này sẽ “giao lại cho cơ quan áp dụng pháp luật (tòa án ?) xác định”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nói rằng để cho tòa án là khá "phiêu" vì để chờ tòa án ra được văn bản chắc là rất rất lâu.
Mục 1 Chương II – Giao kết hợp đồng lao động
Chương II này có khá nhiều vấn đề được mổ xẻ - do có khá nhiều vấn đề mới. Trong đó, ở mục 1 nổi bật nhất có lẽ là việc điều chỉnh định nghĩa loại hợp đồng (điều 22 dự thảo) – gồm các điều chỉnh sau:
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: thời hạn sẽ là từ 1 tháng đến 36 tháng.
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ là hợp đồng áp dụng với công việc có đặc điểm thực hiện theo mùa, theo vụ hoặc áp dụng cho các công việc tạm thời dưới 03 tháng.
- Về việc tái ký hợp đồng: nếu hết hạn 2 loại hợp đồng nêu ở trên mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc, hai bên cũng không ký hợp đồng mới thì hợp đồng sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
- Trường hợp tái ký thì cũng chỉ được ký thêm 1 HĐLĐ xác định thời hạn hoặc theo mùa vụ, đến hợp đồng thứ 3 thì bắt buộc phải chuyển sang HĐLĐ không xác định thời hạn.
- NLĐ cao tuổi và nước ngoài thì được ký nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn, mùa vụ,
Ý nghĩa của thay đổi: phần này tôi nghe và nhớ không nhiều, nhưng ý tưởng lớn nhất hình như chỉ là để đồng bộ với quy định của luật BHXH – HĐLĐ từ 1 tháng trở lên sẽ phải đóng BHXH.
Đánh giá cá nhân: trước tiên là 2 định nghĩa về HĐLĐ xác định thời hạn và HĐLĐ theo mùa vụ sẽ có khoảng trùng với HĐ có thời hạn từ 1 đến 3 tháng: làm sao để xác định nó là HĐLĐ theo mùa vụ hay là HĐLĐ xác định thời hạn. Điều này cũng có các đại biểu có ý kiến, tuy nhiên chưa thấy ý kiến phản hồi.
Thứ nữa, theo dự thảo này thì với 1 NLĐ chỉ có thể ký tối đa 3 lần hợp đồng (2 lần đầu có thể là HĐLĐ xác định thời hạn/mùa vụ, nhưng lần 3 thì bắt buộc phải là HĐLĐ không xác định thời hạn). Quy định này có lẽ là nhắm trực tiếp đến các trường hợp ký HĐLĐ theo mùa vụ nhiều lần (dưới 1 tháng – hoặc trước đây là dưới 3 tháng) để tránh đóng HĐLĐ.
Mặt khác nếu như sau khi HĐLĐ chấm dứt mà các bên chưa/không có HĐLĐ mới, NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì HĐLĐ sẽ trở thành HĐLĐ có thời hạn trong khi đó quy định hiện hành cho thời gian 30 ngày để các bên tái ký HĐLĐ. Đây cũng là một điểm cần lưu ý (nếu nó trở thành hiện thực).
Nội dung sửa đổi lần này cũng có một điểm khá tích cực đó là giải quyết được vấn đề HĐLĐ với lao động nước ngoài: không bắt buộc phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn khi gia hạn lần thứ 2 nữa mà có thể ký nhiều HĐLĐ xác định thời hạn.
Ngoài ra thì mục này còn có một số thay đổi khác như:
+ Giảm bớt các nội dung bắt buộc trong HĐLĐ: chỉ còn thông tin về NSDLD, NLĐ; công việc, địa điểm làm việc, ngày bắt đầu làm việc; Lương, trả lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; thời hạn hợp đồng; địa điểm, ngày ký hợp đồng.
+ Có thêm quy định về việc “bảo vệ bí mật kinh doanh” trong hợp đồng. Tuy nhiên, như ý kiến của các đại biểu thì quy định vẫn chưa rõ ràng cho lắm, cần làm rõ thêm, đặc biệt là vấn đề giá trị hiệu lực của điều khoản này khi HĐLĐ hết hiệu lực.
+ Hai phương án về thử việc: thử việc phải ghi nhận và HĐLĐ và thử việc tách riêng với HĐLĐ. Quan điểm của ban soạn thảo là việc thử việc bắt buộc phải ghi nhận vào HĐLĐ (đồng nghĩa với việc sẽ phải đóng BHXH), tuy nhiên ý kiến của đại biểu thì không đồng tình lắm, vẫn đề nghị giữ nguyên như cũ.
+ Thời gian thử việc: thêm mốc thử việc 6 tháng đối với người quản lý doanh nghiệp (vd ký HĐLĐ với ông A làm giám đốc công ty thì có thể thử việc 6 tháng).
+ Lương thử việc: do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn lương tối thiểu (không còn mức 85% nữa).
+ Quy định về việc đánh giá thời gian thử việc (theo phương án thử việc mà ban soạn thảo đưa ra).
Mục 2 Chương II – thực hiện hợp đồng lao động
Mục này có 2 vấn đề lớn:
- Có thêm quy định về “chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ” (đ31) -song song với quy định về “chuyển tạm thời NLĐ sang làm công việc khác so với HĐLĐ” (đ32). Tuy nhiên, như các đại biểu góp ý thì quy định này khá thừa, do đó có lẽ là ban soạn thảo sẽ xem xét bỏ nó đi. Vì vậy chắc là không cần quan tâm lắm đến nó.
- Thêm quy định về “làm việc không trọn thời gian” (đ35). Đây có lẽ là quy định về đối tượng làm bán thời gian (vd làm ở KFC, 2-3 tiếng/ngày). Nếu theo định nghĩa thì làm việc không trọn thời gian là làm việc dưới một nửa thời gian bình thường, và khi làm việc dạng này thì NLĐ sẽ được trả thêm tiền BHXH, BHYT vào lương.
Đánh giá của bản thân: nội dung quy định này không dài, và như đã nêu ở trên thì có lẽ nó nhằm vào đối tượng làm việc bán thời gian hiện tại. Quy định này là khá tốt, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ:
+ Tiền lương khi làm bán thời gian này tính như thế nào (có mức tối thiểu không hay là do các bên thỏa thuận) ? Đặc biệt hơn là người chủ trì hội thảo có đưa ý kiến rằng: nếu có lương tối thiểu giờ thì nó phải cao hơn lương tối thiểu theo tháng (phải cao hơn mức lương tối thiểu tháng chia cho 26 ngày làm việc, chia cho 8 giờ làm việc).
+ Quy định có mâu thuẫn với Luật BHXH, luật BHYT không – nếu ký bán thời gian 1 năm thì theo dự thảo sẽ không đóng 2 loại bảo hiểm này (vì đã trả vào lương), nhưng nếu theo luật BHXH, BHYT hiện hành thì vẫn phải đóng.
+ Còn BHTN thì sao ?
Về nội dung này thì các đại biểu cũng có nhiều ý kiến khác nữa – và như ban soạn thảo nói là “sẽ tiếp thu và nghiên cứu điều chỉnh lại quy định này)".
(Còn tiếp …).