Nhắc tới hình sự thì ai cũng nghĩ đến những hành vi nghiêm trọng, nguy hiểm như giết, hiếp, cướp… Nhưng bên cạnh đó cũng có những hình vi ngỡ rằng bình thường lại có thể đưa bạn vào tù.
1/ Thấy người tai nạn không cứu:
Một số người luôn sợ bị liên quan nên thường làm lơ, bỏ mặc những người bị tai nạn. Hành vi đó có thể bị truy cứu theo Điều 102 BLHS 1999 như sau: “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”
2/ Dùng tiền giả đốt phong long:
Vừa qua, một người đàn ông ở miền Tây đã bị lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp bắt giữ bì tàng trữ 34 tờ 100 đô giả. Người này khai dùng tiền giả để đốt phong long xã xui.
Theo Điều 180, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
3/ Giết chó hàng xóm:
Đối với nhiều người, chó như một người thân trong gia đình. Dưới phương diện của Luật Hình sự, chó là một loại tài sản. Do đó, hành vi giết chó có thể bị quy vào “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143.
4/ Quảng cáo “láo”
Hành vi quảng cáo “láo”, “nổ” có thể bị truy cứu theo Điều 168 như sau: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5/ Thiên vị nam giới:
Đây cũng là một quy định khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong Luật có quy định tại điều 130 rằng Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Không biết thực tế đã có ai bị xử tội này chưa?
6/ Buộc thôi việc trái pháp luật.
Nhiều người nghĩ rằng việc buộc nhân viên thôi việc trái luật cùng lắm chỉ phải bồi thường hoặc nhận người đó làm lại. Nhưng hành vi đó còn có thể đưa người sử dụng lao động vào tù.
Điều 128. Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật
Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
7/ Trốn nghĩa vụ quân sự:
Đừng nghĩ rằng trốn nghĩa vụ quân sự sẽ không bị chế tài hình sự nhé. Theo điều Điều 259 thì người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
8/ Không cấp dưỡng cho vợ, chồng cũ
Thoạt nghe thì nhiều người sẽ cảm thấy quy định này vô lý, đã ly hôn rồi sao còn phải cấp dưỡng. Nhưng theo quy định tại Điều 115 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Vậy, nếu một trong hai bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ/chồng cũ mà không thực hiện thì có thể bị truy cứu theo điều 152 BLHS 2014
9/ Phát tán virus:
Nhiều bạn trẻ ngày nay đùa giỡn hoặc ghét ai thì sẽ gửi link virus nhằm chọc phá, gây khó khăn người khác. Tuy nhiên, tùy mức độ mà hành vi đó cũng có thể bị truy cứu TNHS
Điều 224. Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi - rút tin học: Người nào tạo ra và cố ý lan truyền, phát tán các chương trình vi-rút qua mạng máy tính hoặc bằng các phương thức khác gây rối loạn hoạt động, phong toả hoặc làm biến dạng, làm huỷ hoại các dữ liệu của máy tính hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm
10/ Xem lén tin nhắn điện thoại:
Nhiều bậc phụ huynh muốn quản lý con cái thường lén xem tin nhắn điện thoại, tin nhắn trên facebook… Những hành vi đó đôi khi cũng cấu thành tội, nhưng thực tế thì chả phụ huynh nào bị bắt về tội này
Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác: Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
11/ Tung tin đồn nhảm gây hoang mang công đồng mạng:
Nhiều người nghĩ đơn giản rằng tin mình đưa ra với mục đích vui hoặc giật gân để câu like sẽ không ảnh hưởng gì hoặc không bị gánh chịu hậu quả gì. Nhưng việc tung tin đồn gây lo lắng cho mọi người lại có thể bị truy cứu theo điều Điều 226 BLHS sửa đổi 2009 như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
Cập nhật bởi HuyenVuLS ngày 02/07/2015 02:33:41 CH