Nhiều thành viên Dân Luật thắc mắc về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau: Người lao động không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp nào?
Trả lời:
- Căn cứ khoản 1 điều 2 Nghị định 127/2008/NĐ-CP và khoản 1 điều 1 Nghị định 100/2012/NĐ-CP thì:
Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc sau với người sử dụng lao động (có sử dụng từ 10 người lao động trở lên tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp):
+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng
+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn
+ Hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng
+ Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
- Căn cứ khoản 2 điều 2 Nghị định 127 và khoản 2 điều 1 Nghị định 100 thì:
+ Người đang hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động quy định tại điều 3 Nghị định 127 theo các loại hợp đồng quy định tại khoản 1 điều 2 Nghị định 127 không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
+ Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; người lao động tạm hoãn thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật thì thời gian này người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.