Xét xử lưu động hiện nay vẫn chưa có khái niệm đựơc nêu rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có thể hiểu nôm na thế này là việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai không phải tại trụ sở Tòa án mà thường tại nơi tội phạm thực hiện.
Cho đến thời điêm hiện nay, việc xét xử lưu động không được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, có chăng cũng chỉ nằm trong các dạng chỉ thị, quyết định để thực hiện các chiến dịch phòng chống tội phạm, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Ảnh: Luật Khoa Tạp chí
Điều này, khiến cho các cơ quan xét xử không có cơ sở để xác định vụ án nào thuộc trường hợp phải xét xử lưu động, trường hợp nào không (duy chỉ có 1 số văn bản yêu cầu không xét xử lưu động đối với người phạm tội chưa thành niên nhằm tránh ảnh hưởng tương lai của họ sau này) khiến cho việc quyết định 1 vụ án có nên xét xử lưu động hay không đều mang cảm tính của cơ quan xét xử.
Mục đích chính của việc xét xử lưu động này là để phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, nếu các vụ án trọng điểm chẳng hạn như vụ thảm sát 6 người Bình Phước, 4 người ở Yên Bái xét xử tại phòng xử án của Tòa thì sẽ không đủ chỗ để người dân có thể đến xem, hoặc một số vụ án muốn đưa ra để giáo dục pháp luật nhân dân nhưng nếu xét xử tại Tòa sẽ ít người đến xem.
Đó là ý chí của nhà làm luật và của cơ quan xét xử, thế nhưng, thực tế việc xét xử lưu động này có thực sự mang tính giáo dục pháp luật hay không chỉ là nơi để người dân nhiều chuyện, tò mò còn những người trong cuộc lại bị khơi lại nỗi đau tinh thần, còn tàn nhẫn hơn cả câu chuyện giết người.
Trong các vụ án xét xử lưu động, có lẽ chưa vụ nào mà tôi chưa coi nhiều như phiên xét xử lưu động vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước.
Trước đó, công an, dân phòng bố trí rạp lều, rồi bục, ghế…để chuẩn bị cho phiên xét xử này, mọi người ở đó kéo nhau đi xem, đi xem không phải là để học tập hành vi nào bị trừng phạt ra sao, mà phần nhiều là vì tò mò, hiếu kỳ. Một số người cũng lợi dụng thời cơ để buôn bán khi phiên xét xử diễn ra, có người ở xa mà cũng phải nghỉ làm để đi xem. Ước tính khoảng hơn 1.000 người đi xem vụ này, chưa kể trộm cắp lợi dụng thời cơ đông đúc để thực hiện hành vi phạm tội. Phiên tòa xét xử lưu động cũng phần nào giải tỏa được sự tò mò của người dân.
Còn phía những người trong cuộc, gia đình nạn nhân lại một lần nữa bị khơi lại nỗi đau, dù biết trước sau gì cũng phải đối diện, nhưng bạn cứ thử nghĩ nếu bạn đau buồn, có nhiều người đồng cảm với bạn, cứ xoa bạn rồi nói thôi đừng buồn nữa, hay đừng khóc nữa…như chính cách mà người dân tham gia phiên xét xử lưu động này thể hiện sự đồng lòng với gia đình nạn nhân thì bạn sẽ càng đau buồn hơn.
Rồi còn gia đình của những người phạm tội này ra sao? Tôi có đọc bài báo này đó chia sẻ rằng, ngay tại phiên tòa xét xử lưu động đó mẹ của Dương và mẹ của Tiến cũng có đến tham gia, nhưng họ không dám lộ diện, họ ăn mặc che kín để không ai phát hiện ra mình, dân ở đó phát hiện chắc cũng xả cơn tức vào họ. Họ cũng đau đớn lắm chứ, cũng không thua gì nạn nhân, nhưng chỉ biết kìm nén cảm xúc, cũng chẳng dám xúc động mạnh vì sợ những người xung quanh phát hiện. Nhưng biết làm sao được, con dại thì cái mang.
Xét từ nhiều khía cạnh đó rồi đem chúng lên bàn cân, một bên để giải quyết sự tò mò của người dân, một bên lại bị dấy lên nỗi đau xé lòng…Trong khi mục đích của phiên xét xử lưu động là mang tính giáo dục, phổ biến pháp luật mang ý nghĩa tốt đẹp nhưng thực tế nó lại mang ý nghĩa ngược lại, thiếu tính nhân văn như mục đích ban đầu chúng ta đặt ra.
Đó là chưa kể đến bị can, bị cáo, việc xét xử họ được mang ra phô diễn cho rất nhiều người xem (khác với tại Tòa) có thể mang cho họ trạng thái bị kích động tâm lý…
Vậy có nên giữ lại phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật bằng việc mở các phiên toà xét xử lưu động không? Nếu có thì cần có quy định pháp luật nói rõ trường hợp nào cần xét xử lưu động để tránh bị lạm dụng bởi vì thực chất việc xét xử lưu động tốn rất nhiều chi phí so với tại phòng xử án của Tòa?