Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2022

Chủ đề   RSS   
  • #591488 26/09/2022

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81095
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1693 lần


    Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2022

    Vào tháng 10/2022, có những chính sách nổi bật được đưa vào áp dụng thực tiễn. Nổi bật trong số đó có thể kể đến những chính sách về các lĩnh vực: Bảo hiểm, Lao động, Giáo dục, cụ thể như: mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc, thông tin danh tính điện tử của công dân, hệ số lương với các ngạch công chức ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hay Hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài,…

    1. Không còn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

    Từ ngày 01/10/2022, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) có sự thay đổi.

    Trước đây, ngày 24/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP trong đó hỗ trợ NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

    Cụ thể là NSDLĐ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

    Trong đó, đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là NSDLĐ đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021.

    Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tình hình kinh tế của nước ta đã ổn định hơn và hầu hết các hoạt động kinh tế đã diễn ra bình thường.

    Vậy nên, dựa trên thời gian thực hiện giảm mức đóng được quy định Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 thì đến hết ngày 30/9/2022 thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ không còn được giảm nữa.

    Đồng nghĩa với việc từ ngày 01/10/2022 sẽ tăng mức đóng BHTN trở lại 1% như trước đây.

    Việc này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện tai, ngoài ra còn đảm bảo được nguồn quỹ thất nghiệp để để chia sẻ rủi ro đối với những người tham gia.

    Cụ thể, mức đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/10/2022 với người lao động và người sử dụng lao động như sau:

    - Người sử dụng đóng 21,5% (gồm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 3% vào quỹ bảo hiểm y tế).

    - Người lao động đóng 10,5% (gồm 8% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% vào quỹ bảo hiểm y tế).

    2. Hệ số lương với các ngạch công chức ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

    Chính sách tiền lương công chức đầu tiên là quy định về hệ số lương với các ngạch công chức ngành NN&PTNT.

    Nội dung đề cập tại Thông tư 08/2022/TT-BNNPTNT về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức ngành NN&PTNT, có hiệu lực từ ngày 06/10/2022.

    Theo đó, các ngạch công chức ngành NN&PTNT áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

    - Ngạch kiểm lâm viên chính, kiểm ngư viên chính, thuyền viên kiểm ngư chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

    - Ngạch kiểm dịch viên chính động vật, kiểm dịch viên chính thực vật, kiểm soát viên chính đê điều được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

    - Ngạch kiểm dịch viên động vật, kiểm dịch viên thực vật, kiểm soát viên đê điều, kiểm lâm viên, kiểm ngư viên, thuyền viên kiểm ngư được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

    - Ngạch kỹ thuật viên kiểm dịch động vật, kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật, kiểm soát viên trung cấp đê điều, kiểm lâm viên trung cấp, kiểm ngư viên trung cấp, thuyền viên kiểm ngư trung cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

    Mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000 đồng/tháng.

    chinh-sach-thang-10-2022

    3. Bỏ yêu cầu trình độ ngoại ngữ với chức danh nghề nghiệp phóng viên

    Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành Thông tư 13/2022/TT-BTTTT về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành TT&TT.

    Theo đó, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ với chức danh nghề nghiệp phóng viên như sau:

    Đối với phóng viên hạng I:

    - Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

    Hiện hành Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV yêu cầu có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định và có trình độ ngoại ngữ bậc 4 (B2).

    - Đối với phóng viên hạng II: Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

    Hiện hành yêu cầu có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định và có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1).

    - Đối với phóng viên hạng III: Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

    Hiện hành yêu cầu có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định và Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2).

    Thông tư 13/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ 10/10/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 07/4/2016.

    4. Thông tin danh tính điện tử của công dân

    Ngày 05/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Trong đó, quy định về các đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử và các thông tin định danh điện tử của cá nhân, tổ chức.

    - Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

    - Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

    - Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

    Danh tính điện tử công dân Việt Nam

    Thông tin cá nhân:

    - Số định danh cá nhân;

    - Họ, chữ đệm và tên;

    - Ngày, tháng, năm sinh;

    - Giới tính.

    Thông tin sinh trắc học:

    - Ảnh chân dung;

    - Vân tay.

    Danh tính điện tử người nước ngoài

    Thông tin cá nhân:

    - Số định danh của người nước ngoài;

    - Họ, chữ đệm và tên;

    - Ngày, tháng, năm sinh;

    - Giới tính;

    - Quốc tịch;

    - Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

    Thông tin sinh trắc học:

    - Ảnh chân dung;

    - Vân tay.

    Danh tính điện tử tổ chức

    Danh tính định danh điện tử của tổ chức bao gồm:

    - Mã định danh điện tử của tổ chức.

    - Tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có).

    - Ngày, tháng, năm thành lập.

    - Địa chỉ trụ sở chính.

    - Số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

     Nghị định 59/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022.

    5. Nội dung hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập

    Ngày 16/9/2022 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 57/2022/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 148/2021/NĐ-CP về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

    Trong đó, Căn cứ quy định tại Điều 1 Thông tư 57/2022/TT-BTC quy định như sau:

    Nội dung hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp bao gồm 04 nội dung sau:

    - Lập dự toán thu, chi quy định tại Điều 9, khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 148/2021/NĐ-CP.

    - Khai, nộp vào ngân sách nhà nước các khoản thu quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 148/2021/NĐ-CP.

    - Chị thường xuyên và chi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 148/2021/NĐ-CP.

    - Xử lý các khoản phải thu, các khoản lãi chậm nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp (sau đây gọi là Quỹ) phát sinh trước thời điểm Nghị định 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 Nghị định 148/2021/NĐ-CP.

    Như vậy, Thông tư 57/2022/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 148/2021/NĐ-CP về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp theo 04 nhóm nội dung nêu trên.

    Thông tư 57/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 31/10/2022.

    6. 04 trường hợp thu hồi chứng chỉ Quốc phòng và An ninh tại các trường cao đẳng

    Ngày 30/08/2022, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 15/2022/TT-BLĐTBXH quy định quy chế quản lý, cấp phát Chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) cho sinh viên các trường cao đẳng.

    Trong đó, quy định 04 trường hợp chứng chỉ QP&AN có thể bị xem xét thu hồi bao gồm:

    - Chứng chỉ do người không có thẩm quyền cấp;

    - Cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ;

    - Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ;

    - Chứng chỉ cấp cho sinh viên có kết quả học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh không đạt yêu cầu.

    Người có thẩm quyền cấp chứng chỉ sẽ quyết định việc thu hồi Chứng chỉ đã cấp.

    Sinh viên bị thu hồi chứng chỉ do người không có thẩm quyền cấp sẽ được cấp lại bản chính chứng chỉ theo quy định.

    Xem chi tiết tại Thông tư 15/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2022.

    7. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài

    Ngày 17/8/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 54/2022/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao.

    Trong đó, Thông tư 54/2022/TT-BTC quy định về mức chi để thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” được quy định như sau:

    Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng dài hạn (trên 03 tháng) ở nước ngoài

    Các chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đô la Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại).

    Về sinh hoạt phí, chi phí làm hộ chiếu, visa và bảo hiểm y tế bắt buộc

    Theo quy định tại Thông tư số 30/2022/TT-BTC hướng, sinh hoạt phí được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài (từ ngày nhập học đến ngày kết thúc khóa học nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch);

    Về tiền vé máy bay đi và về (hạng phổ thông)

    - Người học được cấp một lượt vé hạng phổ thông từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp được phía bạn đài thọ) trong toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng: Thực hiện thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước;

    - Đối với người học dưới 16 tuổi, trong trường hợp nước sở tại yêu cầu phải về nước hàng năm để nghỉ hè và quay trở lại tiếp tục học tập: Người học được cấp các lượt vé hạng phổ thông đi và về theo thực tế (ngoài một lượt vé đi và về theo quy định); người học phải xuất trình thông báo của cơ sở đào tạo yêu cầu phải về nước nghỉ hè hàng năm khi làm thủ tục thanh toán;

    Về chi phí đi đường

    Chi phí đi dường bao gồm: lệ phí sân bay, chi phí thuê phương tiện đi lại từ sân bay về nơi ở và các chi phí khác có liên quan trong quá trình đi học và về Việt Nam của người họ.

    Chi phí này được cấp một lần với mức khoán là 100 USD/người/cho toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng;

    Đối với người học dưới 16 tuổi phải về nước và quay lại nơi học tập nhiều hơn một lần theo quy định tại điểm c khoản này, được cấp với mức khoán là 100 USD/người cho mỗi đợt đi và về.

    Thông tư 54/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 05/10/2022.

    Xem thêm bài viết về các chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2022 tại đây.

     
    322 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (26/09/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận