......
Khó xử vì luật chặt, quan niệm thoáng
Điều 147 Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định tội danh vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Theo điều luật này, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể hiểu theo nghĩa: Làm cho gia đình của một bên hoặc cả hai bên tan vỡ, dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng con vì thế mà tự sát... Cũng có thể xử lý hình sự nếu như người vi phạm chế độ một vợ một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Thế nhưng, theo Tiến sĩ luật Nguyễn Thái Phúc (Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp phía Nam) thì việc xác định hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là cả một... chặng đường không dễ dàng.
Trước hết, nói về điều kiện “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, ở góc độ pháp lý, theo Thông tư liên tịch 01 ngày 25/9/2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao thì việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, có tài sản chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... Thế nhưng, trong nhiều vụ việc, rõ mười mươi là ngoại tình, bắt tại trận nhưng cơ quan chức năng đành bó tay không xử phạt hành chính vì tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được vì họ không có con chung, tài sản cũng không, cơ quan, láng giềng ai cũng biết đó chỉ là chuyện bồ bịch. Mà chuyện bồ bịch, pháp luật đâu có chế tài. Không có xử phạt hành chính lần một về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì lấy đâu căn cứ để xử lý hình sự?
Nhân nói về chuyện bồ bịch, trong Hội thảo Việt Nam học lần III tại Hà Nội tháng 12/2008, có một đề tài về ngoại tình được nghiên cứu sinh Nguyễn Khánh Linh cùng Giáo sư Jack Dash Harris trình bày. Theo nghiên cứu này, ở phương Tây chỉ có 3 khái niệm cho các mối quan hệ ngoài vợ chồng là: Nhân tình, qua đường, gái điếm. Trong khi đó, ở Việt Nam có đến ít nhất 8 nhóm khác nhau như vợ nhỏ, em út, tình nhân cho đến các dạng “ăn bánh trả tiền” từ rẻ tiền đến cao cấp và cả thể loại tình yêu không tình dục nơi công sở. Những kiểu quan hệ ngoài vợ chồng này thường được đội cái mũ chung là “hành vi mua dâm” - một cách để vui bạn bè, kết thân các nhóm nam, thậm chí đơn giản chỉ là khẳng định nam tính. Thế nên, theo hai nhà nghiên cứu, chuyện ngoại tình rất phổ biến ở Việt Nam, “phổ biến đến mức khiến đa số người nghĩ đó là chuyện có thể chấp nhận”. Nhưng tất nhiên, chỉ với đàn ông mà thôi vì phụ nữ Việt vẫn bị thuyết tam tòng, tứ đức đè nặng.
Một khi “hậu quả nghiêm trọng” vẫn được hiểu theo nghĩa hẹp
Theo luật, nếu việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự. Điều đáng nói là hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu theo cách vật chất như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ, ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát... Nhưng về thực chất, đó đâu phải là cách hiểu đầy đủ nhất về “hậu quả nghiêm trọng” do hành vi ngoại tình gây ra, mà còn rất nhiều vấn đề khác nữa. Thế nên mới có chuyện tại một phiên tòa ly hôn, cả khán phòng đã rúng động khi người phụ nữ có lời đề nghị quý tòa xử lý hình sự chồng mình vì anh ta đã ngoại tình. Thế nhưng, đáp lại sự mong mỏi của chị, thẩm phán lắc đầu vì không đủ căn cứ truy cứu, dù rằng nguyên nhân khiến vợ chồng họ phải ra tòa ly hôn cũng từ chuyện đó mà ra.
Trao đổi với PLVN, Phó trưởng Khoa Pháp luật Dân sự - ĐH Luật Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cừ cho rằng: Cần nhìn nhận việc ngoại tình như một hành vi bạo lực gia đình ở khía cạnh bạo lực tinh thần theo tinh thần của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Và đã là bạo lực tinh thần thì “tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...” theo luật định. Trên thực tế, có rất nhiều gia đình chồng/vợ ngoại tình, tuy không đến nỗi khiến đối phương phải tự sát nhưng sự suy sụp tinh thần dẫn đến bỏ việc, đau buồn, chán đời, đổ bệnh mà chết là có. Nhưng liệu thân nhân của họ có đủ hiểu biết để khởi kiện, và nếu có khởi kiện thì cơ quan điều tra nào, Tòa án nào sẽ đủ kiên nhẫn để chứng minh những cái chết đó là hậu quả của ngoại tình?
Thế nên mới có chuyện tại rất nhiều tòa án, đứng trước một vụ ly hôn vì lý do ngoại tình thì Hội đồng xét xử chỉ cho ly hôn chứ không xử lý hình sự. Người có lỗi (ngoại tình) cũng không bị “trừng phạt” gì về mặt tài sản hay nghĩa vụ, quyền lợi... khi tòa giải quyết ly hôn. Về vấn đề này, nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình vì họ cho rằng khi hôn nhân bị tan vỡ do người chồng/vợ ngoại tình, trong khi người còn lại không có bất kỳ lỗi gì, mà người chồng/vợ đó không bị pháp luật áp dụng chế tài gì thì thật là bất công!
Có vi phạm nhân quyền khi qui kết hành vi ngoại tình là tội phạm ?
Cách đây không lâu, diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc Ok Sori đã bị án 8 tháng tù treo vì tội ngoại tình. Tại Hàn Quốc, ngoại tình là một tội hình sự theo luật có từ rất nhiều năm trước vì làm “phá hỏng rường mối xã hội”. Campuchia cũng đã từng đưa ra dự luật hình sự hóa tội ngoại tình với hình phạt tù từ 1 tháng tới 1 năm cho những mối quan hệ ngoài hôn nhân. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc qui kết hành vi ngoại tình là tội phạm là có dấu hiệu vi phạm nhân quyền. Bởi con người sinh ra đều có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do yêu đương, bày tỏ tình cảm và kết hôn. Mặt khác, hôn nhân thực chất chỉ là một sự ràng buộc pháp lý mang tính hành chính, thủ tục, chứ không phải và không thể ràng buộc được về mặt tình cảm, ý chí của mỗi con người.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam