Nhìn nhận "VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ CÔNG TY" qua vụ án ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên

Chủ đề   RSS   
  • #515934 29/03/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Nhìn nhận "VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ CÔNG TY" qua vụ án ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên

     

    Tưởng chừng đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau và không có liên quan gì với nhau cả về lý luận và pháp lý, nhưng hai vấn đề này đã được tòa giải quyết rốt ráo trong cùng một vụ án về hôn nhân, gia đình. Bài viết bình luận một số khía cạnh lý luận và pháp lý về các vấn đề này, đây là quan điểm cá nhân nhìn nhận dưới góc độ khoa học pháp lý, không có ý nghĩa khen, chê, đại diện hay bảo vệ cho lợi ích của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

     

    THẨM QUYỀN CỦA TÒA TRONG VỤ ÁN LY HÔN NHƯ THẾ NÀO?
    Về mặt lý luận, quan hệ giữa vợ chồng bao gồm hai nhóm là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản, do đó các tranh chấp của vợ chồng nói chung và tranh chấp trong một vụ án về ly hôn giữa hai vợ chồng chỉ có thể là những tranh chấp về hai nhóm quan hệ này, từ đó dẫn đến thẩm quyền của tòa án khi giải quyết vụ việc về ly hôn giữa hai vợ chồng cũng chỉ tập trung xem xét và phân xử trong nội bộ khuôn khổ các quan hệ tranh chấp này mà thôi.

    Về mặt pháp lý, theo quy định Điều 27 Bộ luật TTDS 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, cũng như quy định tại Điều 28 Bộ luật TTDS 2015 đang có hiệu lực, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:
    1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
    2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
    3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
    4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
    5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
    6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
    7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.
    8. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy khi thụ lý vụ án về ly hôn, tòa chỉ có thể giải quyết các yêu cầu của các bên về các vấn đề liên quan đến quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân nêu trên. Tuyệt nhiên các vấn đề về quản lý, điều hành công ty không liên quan gì đến những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Các tranh chấp hay yêu cầu về quản trị công ty thuộc phạm trù những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Điều 30, 31 BLTTDS 2015. Do đó chỉ trong vụ kiện liên quan đến tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty TNHH hoặc thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ trong công ty CP, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty, thì khi đó tòa mới có quyền phân xử các vấn đề này.

    Bên cạnh đó, qua thông tin báo chí, được biết trong vụ án ly hôn này, tòa còn nhận định về hành vi có căn cứ vi phạm Luật cạnh tranh của một bên mặc dù toà không phán quyết về vấn đề này. Chúng tôi cho rằng tòa không có quyền, dù chỉ là nhận định chủ thể nào vi phạm Luật cạnh tranh hay có căn cứ vi phạm Luật cạnh tranh. Cần lưu ý rằng, tố tụng cạnh tranh hoàn toàn độc lập với tố tụng dân sự. Theo Luật cạnh tranh hiện hành, chỉ có Cục quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh (Hội đồng xử lý vụ việc đối với từng vụ việc cụ thể) mới có thẩm quyền xem xét, giải quyết và kết luận về các hành vi được xem là vi phạm Luật cạnh tranh và đưa ra biện pháp xử lý.

     

    TÒA CÓ QUYỀN GIAO CHO AI ĐÓ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH CÔNG TY KHÔNG?
    Chế định người quản lý công ty là một chế định điều chỉnh bởi pháp luật doanh nghiệp, theo đó trong công ty CP, người quản lý công ty bao gồm Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty (khoản 18 Điều 4 Luật DN). Các chức danh quản lý này do các cơ quan quyền lực (ĐHĐCĐ), cơ quan quản lý (HĐQT)...quyết định việc bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm và do điều lệ, quy chế quản trị nội bộ của công ty quy định (nhưng không được trái luật). Ví dụ, việc ai là thành viên HĐQT phải do ĐHĐCĐ bầu ra theo phương thức bầu dồn phiếu hoặc cách khác do điều lệ quy định (Điều 135, Điều 144 LDN); việc ai giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, GĐ/TGĐ phải do chính HĐQT quyết định (Điều 149, Điều 152 LDN); ...theo học thuyết về phân chia quyền lực trong công ty cổ phần.

    Do đó tòa không có quyền giao cho bất kỳ cá nhân nào nắm giữ quyền quản lý công ty. Chỉ trong trường hợp có tranh chấp về việc bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý nêu trên, các bên khởi kiện đến tòa, thì khi đó trong vụ án kinh doanh, thương mại này, tòa sẽ có quyền xem xét, nếu các Nghị quyết này không đảm bảo tính pháp lý thì tòa tuyên hủy bỏ (NQ của ĐHĐCĐ) hoặc đình chỉ (NQ của HĐQT), còn ngược lại nếu các Nghị quyết này đảm bảo đúng pháp luật và điều lệ, quy chế quản trị nội bộ công ty thì tòa sẽ bác yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên các NQ này...chứ tòa không có quyền giao hay không giao cho bất kỳ ai đó đảm trách việc quản lý công ty.

     

     

    CỔ PHẦN ĐƯỢC CHIA NHƯ THẾ NÀO TRONG VỤ ÁN VỀ LY HÔN?
    Cổ phần có phải là tài sản để chia trong vụ án về ly hôn như các tài sản thông thường khác hay không, chúng tôi sẽ có bài phân tích sau. Ở đây chúng ta tạm thừa nhận cổ phần là tài sản để chia trong vụ án ly hôn giữa hai vợ chồng, vậy tòa được quyền chia như thế nào?

    Trong một vụ việc cụ thể, toà đã chia cho người chồng hưởng 60%, còn người vợ hưởng 40%, đồng thời giao cho người chồng sở hữu luôn các cổ phần của người vợ và người chồng có trách nhiệm trả tiền cho người vợ tương ứng với giá trị cổ phần sở hữu. Phương án này được tòa lập luận rằng sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

    Chúng ta không bàn về tỷ lệ phân chia theo phương án 60/40 này, chúng ta chỉ bàn về cách tòa quyết định hoán đổi cổ phần và nhận lại bằng tiền cho một cổ đông. Chúng ta cần lưu ý rằng, việc sở hữu tài sản là cổ phần hoàn toàn khác với việc sở hữu tài sản thông thường khác như tiền, vật (ô tô, nhà cửa...)... Vì cổ phần là những phần chia bằng nhau từ vốn điều lệ của công ty cổ phần (suy luận theo quy định tại Điều 110 LDN), là một khái niệm để chỉ phần sở hữu vốn góp của cổ đông trong công ty cổ phần. Bởi lẽ, trong công ty cổ phần, để góp vốn vào công ty, các cổ đông sẽ mua cổ phần, qua đó phải thanh toán tiền hoặc bằng các tài sản khác cho công ty để tạo nên vốn điều lệ của công ty và xác lập tư cách cổ đông của người sở hữu cổ phần. Như vậy, việc sở hữu cổ phần là để xác lập tư cách cổ đông và từ tư cách cổ đông sẽ xác lập các quyền của cổ đông (tùy theo tỷ lệ cổ phần, loại cổ phần sở hữu và thời gian nắm giữ) như các quyền về quản trị công ty (quyền biểu quyết tại ĐHĐCĐ, quyền yêu cầu triệu tập và triệu tập họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào HĐQT, BKS ...); quyền tài sản đối với cổ phần (chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế...bằng cổ phần); quyền được chia cổ tức; quyền ưu tiên mua cổ phần mới khi công ty chào bán; quyền về thông tin, kiểm soát trong công ty....

    Do vậy nếu chúng ta quyết định hoán đổi cổ phần và yêu cầu cổ đông phải chấp nhận để đổi lấy bằng tiền, vô hình chung chúng ta đã TƯỚC BỎ HÀNG LOẠT CÁC QUYỀN CỦA CỔ ĐÔNG NÊU TRÊN. Đối với cổ đông khi sở hữu cổ phần không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà quan trọng hơn là để xác lập và thực hiện liên tục các nhóm quyền nêu trên, đó mới là giá trị mà cổ đông mong muốn đạt được khi đầu tư góp vốn vào công ty cổ phần. Trong hệ thống Luật Common Law (Luật án lệ Anh – Mỹ), một trong những học thuyết mà người ta tôn thờ trong công ty là "Học thuyết về giá trị của cổ đông", theo đó giá trị của cổ đông không chỉ dừng lại ở vấn đề tài sản mà quan trọng hơn cổ đông phải được tham gia vào quản trị công ty, gắn bó với công ty, với số phận pháp lý và số phận thực tế của công ty.

    Liên quan đến Học thuyết về giá trị của cổ đông này, không chỉ LDN mà ngay cả Luật HNGĐ cũng đã có quy định. Cụ thể Điều 64 của Luật HNGĐ 2014 quy định: khi vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

    Ví dụ: giả sử người chồng đang nắm giữ 10 cổ phần là tài sản chung, trị giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, thì khi ly hôn người chồng vẫn được quyền nắm giữ 10 cổ phần này và thanh toán cho người vợ phần giá trị tài sản mà người vợ được hưởng là 50.000 đồng nếu tài sản cổ phần này được tòa quyết định phân chia theo phương thức chia đôi.

    Trong tình huống của vụ ly hôn này, cả vợ chồng đều đang nắm giữ cổ phần trong công ty, và cần lưu ý rằng theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật đầu tư 2014, (sửa đổi 2016), thì việc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế cũng được xem là đang thực hiện hoạt động kinh doanh, do vậy cổ phần hai vợ chồng đang nắm giữ cần phải được giữ nguyên, họ chỉ có thể thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà bên kia được hưởng theo phương án phân chia tài sản, nghĩa là chúng ta chỉ có thể phân chia giá trị tài sản của cổ phần được định giá thành tiền, chứ chúng ta sẽ không thể tước quyền sở hữu cổ phần của một bên và giao hết cho bên còn lại sở hữu, như vậy là không đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu cổ phần của cổ đông theo quy định của Hiến pháp và pháp luật doanh nghiệp, pháp luật dân sự. KHÔNG MỘT AI, KỂ CẢ TÒA ÁN ĐƯỢC QUYỀN TƯỚC BỎ QUYỀN SỞ HỮU CỔ PHẦN CỦA CỔ ĐÔNG, qua đó tước bỏ luôn tư cách cổ đông, mà vấn đề này phải do chính cổ đông quyết định, cổ đông chỉ không còn quyền sở hữu cổ phần và không còn tư cách cổ đông khi và chỉ khi cổ đông quyết định chuyển nhượng, tặng cho...toàn bộ cổ phần, hoặc khi cổ đông là cá nhân bị chết, cổ đông là tổ chức bị giải thể, phá sản hay chính công ty mà cổ đông sở hữu cổ phần bị chấm dứt hoạt động theo đúng trình tự, thể thức do pháp luật quy định.

    Ngoài ra, nếu chúng ta cho rằng giao phần lớn cổ phần cho một người sở hữu sẽ làm cho công ty ổn định hơn, thì đây là một quan niệm không phù hợp với các giá trị về quản trị công ty hiệu quả. Chúng ta cần biết rằng, công ty cổ phần là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của loài người từ trong lịch sử xa xưa cho đến ngày nay về một công cụ huy động vốn hiệu quả cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Chính Các- Mác đã từng nói rằng "Qua các công ty cổ phần, việc tập trung tư bản được thực hiện trong nháy mắt”. Vì vậy công ty cổ phần xét đến cùng chỉ là một công cụ để huy động vốn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Do đó, trong các nguyên lý về quản trị công ty cổ phần hiện đại (của IMF, WB, OECD,...) đều khuyến cáo công ty cổ phần nên tạo ra một cơ cấu cổ đông đa dạng, một cơ chế phân tán rủi ro hiệu quả, đảm bảo quyền kiểm tra, giám sát lẫn nhau của cổ đông, khi đó công ty cổ phần mới có thể phát triển ổn định và bền vững hơn. Do vậy trong pháp luật về công ty thường quy định trong cơ cấu cổ đông của công ty cổ phần phải có ít nhất 03 cổ đông trở lên, thậm chí trong một số lĩnh vực kinh doanh đặc biệt cần sự ổn định cao như lĩnh vực tài chính – tín dụng, Luật các TCTD 2010, sửa đổi 2017 quy định Tổ chức tín dụng cổ phần phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa.

    Còn việc công ty có hoạt động hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào các quyết sách của ĐHĐCĐ, HĐQT và ban điều hành công ty, tùy thuộc vào các chiến lược, kế hoạch phát triển công ty trong ngắn hạn và dài hạn, tùy thuộc vào năng lực cạnh tranh của công ty, cũng như môi trường kinh tế vĩ mô của đất nước, khu vực và thế giới, chứ không phải công ty hoạt động không hiệu quả vì có ai đó là cổ đông và cho rằng họ cản trở công ty. Bên cạnh đó, các cổ đông khi tham gia thực hiện quyền cổ đông của mình, nên hành xử theo đúng quy định của pháp luật, điều lệ, quy chế quản trị nội bộ công ty chứ không nên và không được xem công ty là của riêng mình. Công ty là của tất cả cổ đông hùn hạp vốn, công ty không phải của riêng bất kỳ cổ đông nào, kể cả cổ đông sáng lập. Khi thành lập và lựa chọn loại hình công ty cổ phần, các cổ đông phải chấp nhận nguyên tắc phân chia quyền lực, đó là điều hiển nhiên không thể đảo ngược thuộc về bản chất của công ty cổ phần. Còn nếu giả sử có bất kỳ cổ đông nào có hành vi gây rối, cản trở hoạt động của công ty, thì chúng ta phải giải quyết vấn đề này theo đúng quy trình và quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự, chứ đó không phải là lý do để chúng ta buộc cổ đông phải ra khỏi công ty. Cần biết rằng công ty là một pháp nhân, khi công ty được thành lập là lúc công ty tồn tại hoàn toàn độc lập với các thể nhân sáng lập ra công ty. Các thể nhân sáng lập công ty chỉ có thể "chi phối" công ty thông qua việc thực hiện các quyền của cổ đông trong khuôn khổ pháp luật, điều lệ và quy chế quản trị nội bộ công ty như đã phân tích./.

     

    Nguồn: Thạc sĩ Từ Thanh Thảo - Giảng viên khoa Luật Thương Mại, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

     
    4585 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #515905   28/03/2019

    anhkhoayentam
    anhkhoayentam
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:08/12/2015
    Tổng số bài viết (335)
    Số điểm: 2826
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 48 lần


    Tòa có quyền giao cho cá nhân hay tổ chức quản lý, điều hành công ty?

    Chế định người quản lý công ty là một chế định điều chỉnh bởi pháp luật doanh nghiệp, theo đó trong công ty cổ phần, người quản lý công ty bao gồm Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty (khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014). Các chức danh quản lý này do các cơ quan quyền lực (ĐHĐCĐ), cơ quan quản lý (HĐQT)...quyết định việc bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm và do điều lệ, quy chế quản trị nội bộ của công ty quy định (nhưng không được trái luật).

    Việc ai là thành viên HĐQT phải do ĐHĐCĐ bầu ra theo phương thức bầu dồn phiếu hoặc cách khác do điều lệ quy định (Điều 135, Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014); việc ai giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, GĐ/TGĐ phải do chính HĐQT quyết định (Điều 149, Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014). 

    Do đó tòa không có quyền giao cho bất kỳ cá nhân nào nắm giữ quyền quản lý công ty. Chỉ trong trường hợp có tranh chấp về việc bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý nêu trên, các bên khởi kiện đến tòa, thì khi đó trong vụ án kinh doanh, thương mại này, tòa sẽ có quyền xem xét, nếu các Nghị quyết này không đảm bảo tính pháp lý thì tòa tuyên hủy bỏ (Nghị quyết của ĐHĐCĐ) hoặc đình chỉ (Nghị quyết của HĐQT), còn ngược lại nếu các Nghị quyết này đảm bảo đúng pháp luật và điều lệ, quy chế quản trị nội bộ công ty thì tòa sẽ bác yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên các Nghị quyết này...chứ tòa không có quyền giao hay không giao cho bất kỳ ai đó đảm trách việc quản lý công ty. 

    Ngoài ra còn một vấn đề về quyết định hoán đổi cổ phần và yêu cầu cổ đông phải chấp nhận để đổi lấy bằng tiền của Tòa vô hình chung đã TƯỚC BỎ HÀNG LOẠT CÁC QUYỀN CỦA CỔ ĐÔNG được nêu trong nghị quyết công ty và quy định pháp luật doanh nghiệp đối với quyền của cổ đông tại công ty cổ phần. Đối với cổ đông khi sở hữu cổ phần không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà quan trọng hơn là để xác lập và thực hiện liên tục các nhóm quyền theo quy định, đó mới là giá trị mà cổ đông mong muốn đạt được khi đầu tư góp vốn vào công ty cổ phần.

    Cập nhật bởi anhkhoayentam ngày 28/03/2019 08:42:25 CH
     
    Báo quản trị |