Theo khoản 1 Điều 321 Bộ Luật Hình Sự năm 2015: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”
Thứ nhất, quy định của điều luật thể hiện rất rõ phương tiện phạm tội đánh bạc là tiền và hiện vật, giá trị tài sản dùng để đánh bạc là căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là yếu tố quan trọng để phân biệt hành vi đánh bạc là tội phạm và bị xử lý hình sự đối với hành vi đánh bạc không phải là tội phạm và bị xử lý dưới các hình thức khác.
Theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP áp dụng để xác định số tiền đánh bạc và tổng số tiền trên chiếu bạc hay các khoản tiền khác hay hiện vật của những người tham gia, tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP, thì “tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
“a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.”
Như vậy, căn cứ để xác định tội danh đánh bạc là tiền được trực tiếp thu ngay tại chiếu bạc. Trong trường hợp số tiền, tài sản mang theo của từng người nếu cơ quan chức năng chứng minh được số tài sản đó sẽ được sử dụng vào việc đánh bạc thì vẫn bị coi là tài sản dùng để đánh bạc.
Thứ hai, cần phân biệt khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của nhiều người cùng tham gia đánh bạc và xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc. Theo điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP quy định:
“Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;” và “Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét”.
Như vậy, nhiều người cùng nhau đánh bạc trực tiếp thì không kể đến sau, đến trước, có lúc chơi, có lúc không; khi bị phát hiện, căn cứ tổng số tiền đánh bạc của tất cả những người tham gia trên chiếu bạc đều được xem là một lần đánh bạc từ khi bắt đầu đến khi bị phát hiện, không kể đánh bao nhiêu ván, tất cả những người tham gia đánh bạc đều bị truy cứu TNHS nếu đủ định lượng. Và số tiền tham gia đánh bạc của những người tham gia đánh bạc sẽ được xác định phù hợp với việc phân hóa TNHS của từng cá nhân tham gia.
Cho nên trường hợp người tham gia đánh bạc chỉ chịu trách nhiệm về số tiền đánh bạc của mình mà không chịu TNHS về tổng số tiền của tất cả những người cùng tham gia trên chiếu bạc không thỏa đáng.
Vậy theo quy định của Điều 321 BLHS, tội đánh bạc được xây dựng dưới dạng cấu thành tội phạm hình thức, có nghĩa là dấu hiệu hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong việc xác định tội danh hoàn thành. Như vậy, khi người nào hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kì hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá nhất định thì là tội phạm hoàn thành.