Ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:
1. Vị trí, chức năng của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Theo Điều 10 Nghị định 03/2024/NĐ-CP, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và luật chuyên ngành khác, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định tại Điều 11 Nghị định 03/2024/NĐ-CP, cụ thể:
Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Bảo hiểm xã hội tỉnh) xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra để tổng hợp và trình Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Thanh tra vụ việc khác khi được Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao;
- Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quyết định xử lý về thanh tra của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đối với vụ việc do Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết luận khi cần thiết;
- Chỉ đạo công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 03/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.