Ngày 06/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chủ động, tích cực xử lý, giải quyết có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập và chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
(1) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy, phương pháp luận mới, cách tiếp cận mới để quyết tâm làm, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành. Với tinh thần trách nhiệm đó, chủ động tìm kiếm và triển khai các dự án mới để đầu tư, đặc biệt là các dự án liên quan đến giao thông, năng lượng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu,...
(2) Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chú trọng việc đổi mới mô hình quản trị kinh doanh theo hướng hiện đại, thích ứng với điều kiện mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.
(3) Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của Nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ. Nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành, lĩnh vực mới nổi.
(4) Hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được giao, phấn đấu vượt kế hoạch, góp phần cao nhất bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, đặc biệt chú ý bảo đảm các cân đối lớn về điện, than, dầu khí, xăng dầu, các sản phẩm là nguyên liệu cho các ngành sản xuất và cho an ninh quốc phòng, vận tải hành khách, hàng hóa, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp.
(5) Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao nhân tố văn hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tôn trọng quy luật khách quan của kinh tế thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh; góp phần cùng với Chính phủ, các bộ, ngành điều tiết kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Khẩn trương trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội dự án Luật sửa đổi căn bản, toàn diện Luật 69/2014/QH13 theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản 2738/VPCP-PL năm 2023; phấn đấu trình Quốc hội thông qua và ban hành tại kỳ họp tháng 10 năm 2023.
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023.
Xem chi tiết tại Chỉ thị 12/CT-TTg có hiệu lực từ ngày 06/5/2023.