Từ câu chuyện có thật tại Hà Nội đang gây xôn xao mạng xã hội của một thanh niên nhặt được chìa khóa nhưng hẹn trả lúc 00g30 khiến khổ chủ phải gọi Công an trợ giúp làm dấy lên câu hỏi: Trường hợp nhặt được tài sản nhưng không trả thì bị xử lý như thế nào?
Dưới góc độ pháp luật, hành vi nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ tài sản trái phép theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể như sau:
*Trách nhiệm hành chính
Căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả được xếp vào hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác; và có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
*Trách nhiệm hình sự
Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm d Khoản 1 Điều 2 Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 quy định:
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng là tài sản di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, khung hình phạt áp dụng trong trường hợp này căn cứ vào giá trị tài sản nhặt được, cụ thể:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Đối với hành vi nhặt được/tìm được/bắt được/giao nhầm tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng là tài sản di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng không trả lại.
- Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Khi cố ý chiếm giữ tài sản có trị giá 200.000.000 đồng trở lên trái phép.
*Lưu ý:
Căn cứ Điều 230 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp khi nhặt được tài sản do người khác để quên, đánh rơi; đã đến cơ quan có thẩm quyền khai báo để tìm chủ sở hữu tài sản sau khi nhặt được thì nếu sau 01 năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;
b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.