Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự thì Tống đạt (hay nói một cách đầy đủ hơn là “tống đạt văn bản tố tụng”) được hiểu là việc giao văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, Viện kiểm sát hay cơ quan thi hành án …) cho đương sự một cách chính thức và mang tính chất áp đặt. Vậy tống đạt văn bản được quy định như thế nào? Mời các bạn tham khảo bài viết sau:
1. Tống đạt văn bản là gì?
Tống đạt văn bản tố tụng được xem là nghĩa vụ của các cơ quan nêu trên (và các cơ quan này cũng chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành ra các văn bản tố tụng đó). Việc nói “áp đặt” có nghĩa là người nhận văn bản được tống đạt phải có trách nhiệm tuân theo một cách bắt buộc.
Căn cứ Điều 171 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo, bao gồm:
- Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự.
- Bản án, quyết định của Tòa án.
- Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự.
- Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.
2. Các hình thức tống đạt văn bản của nhà nước?
Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây (Căn cứ Điều 173 Bộ luật tố tụng dân sự 2015):
- Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.
- Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (được hướng dẫn bởi Chương IV Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP).
- Niêm yết công khai.
+ Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 (Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cá nhân) và Điều 178 (thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức của Bộ luật này).
+ Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
Thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 180).
+ Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo.
+ Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo chịu.
+ Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, trên một trong các báo hàng ngày của Trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
- Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của Bộ luật này.
3. Cơ quan có thẩm quyền tống đạt văn bản.
* Cơ quan có nghĩa vụ thi hành việc tống đạt, là: (căn cứ Điều 170 Bộ luật tố tụng dân sự)
- Tòa án
- Viện kiểm sát
- Cơ quan thi hành án
Đối tượng: đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Bộ luật này và pháp luật có liên quan
* Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng do những người sau đây thực hiện (căn cứ Điều 172 Bộ luật tố tụng dân sự):
- Người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc khi Tòa án có yêu cầu.
- Đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.
- Nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính.
- Người có chức năng tống đạt.
- Những người khác mà pháp luật có quy định.
4. Những lưu ý cần biết về tống đạt văn bản tránh bị lửa đảo
Thứ nhất: Tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng (Điều 174 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
- Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ luật này thì được coi là hợp lệ.
- Người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Người có nghĩa vụ thi hành các văn bản tố tụng đã được cấp, tống đạt, thông báo hợp lệ phải nghiêm chỉnh thi hành.
Thứ hai: Thông báo kết quả việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng (Điều 181 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
Trường hợp người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng không phải là Tòa án hoặc cơ quan ban hành văn bản tố tụng hoặc cán bộ của các cơ quan đó thì người thực hiện phải thông báo ngay kết quả việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Tòa án hoặc cơ quan ban hành văn bản tố tụng đó.
Xem thêm:
>>> Kỹ năng tống đạt văn bản tố tụng