1. Nhận dạng là gì?
Nhận dạng là biện pháp điều tra do Điều tra viên thực hiện theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định. Nhận dạng là quá trình nhớ lại, nhận lại đối tượng mà trước đây người nhận dạng đã tri giác và ghi nhớ trong trí nhớ khi đối tượng đó xuất hiện trở lại.
2. Quy định pháp luật về nhận dạng trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, khi cần thiết, Điều tra viên có thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng. Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi. Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.
Quá trình nhận dạng phải tuân thủ trình tự, thủ tục do luật quy định. Trước khi cho một người nhận dạng, Điều tra viên phải hỏi người này về điều kiện hoàn cảnh có liên quan đến quá trình tri giác như thời gian quan sát, khoảng cách quan sát, điều kiện ánh sáng, thời tiết, màu sắc của đối tượng có ảnh hưởng gì cho việc nhận biết đối tượng không; những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được. Cần hỏi kỹ đặc điểm, vết tích có tính riêng biệt và tương đối ổn định của đối tượng nhận dạng. Những đặc điểm, vết tích này có giá trị cao khi đánh giá kết quả nhận dạng.
Để đảm bảo tính khách quan, trong quá trình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý cho người nhận dạng. Đối tượng được nhận dạng có thể được đưa ra lần lượt hoặc đưa đồng loạt cùng lúc. Khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó. Điều tra viên đối chiếu các vết tích, đặc điểm của người, vật, ảnh đã nhận dạng được xem có phù hợp với những vết tích, đặc điểm mà người nhận dạng đã khai báo trước khi nhận dạng để đánh giá tính chính xác của kết quả nhận dạng.
Biên bản nhận dạng được lập theo quy định tại Điều 178 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Trong biên bản ngoài việc ghi theo quy định chung còn phải ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng. Biên bản cần ghi rõ điều kiện ánh sáng để thực hiện nhận dạng
3. Những người phải tham gia việc nhận dạng
Những người phải tham gia việc nhận dạng được quy định tại khoản 2 Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, gồm:
Thứ nhất, người nhận dạng là người làm chứng, bị hại hoặc bị can. Nếu lựa chọn những người tham gia tố tụng khác như người bị bắt, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự làm người nhận dạng thì kết quả nhận dạng sẽ không có giá trị pháp lý và không được dùng làm chứng cứ giải quyết vụ án.
Thứ hai, Người nhận dạng là người chứng kiến. Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Việc tham gia của người chứng kiến trong các hoạt động tố tụng là rất quan trọng. Vì vậy trong quá trình áp dụng cần lưu ý những hoạt động điều tra cần có người chứng kiến tham dự, khi tiến hành các hoạt động điều tra đó phải mời thành phần, số lượng, đối tượng người chứng kiến đúng theo quy định để đảm bảo việc thu thập chứng cứ đúng trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.