Những dấu hiệu nhận biết tín dụng đen?
Hiện nay, tín dụng đen vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể khái niệm như thế nào là tín dụng đen. Tuy nhiên, thực tế có thể hiểu tín dụng đen là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước.
Tín dụng đen hay còn gọi là cho vay nặng lãi có các dấu hiệu nhận biết sau đây:
Về thủ tục cho vay: thủ tục rất đơn giản, có hoặc không có tài sản thế chấp vẫn vay được. Người vay chỉ cần chụp hình giấy tờ tùy thân gửi bên cho vay là hoàn tất thủ tục vay.
Về lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay vượt mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “ Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” thì: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền 200 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…
Về hình thức cho vay: Các hợp đồng, giao dịch vay tiền thường được soạn thảo và ký nhận với nội dung giả tạo để che dấu mức lãi suất bất hợp pháp và tạo điều kiện cho chủ nợ dễ dàng khống chế con nợ để thu được nợ đồng thời cũng là ràng buộc pháp lý để khi con nợ không trả được thì chủ nợ có thể đề nghị cơ quan pháp luật xử lý bằng hình sự với con nợ.
Hình thức thu hồi nợ: Khi đến hạn mà các con nợ không trả thì bên cho vay sẽ có các hình thức đòi nợ mang tính chất côn đồ như: thuê giang hồ đến tận nhà để quấy rối, khủng bố tinh thần hoặc nặng hơn là gây thương tích cho người khác để đòi được nợ. Ngoài ra, còn rất nhiều chiêu trò xâm phạm đến hình ảnh cá nhân như đăng giấy đòi nợ công khai lên mạng xã hội hoặc khung bố tin nhắn, cuộc gọi 24/24….
Hình phạt khi hoạt động tín dụng đen?
Căn cứ Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) ,người phạm tội cho vay nặng lãi (tín dụng đen) bị xử lý như sau:
- Cho vay trong giao dịch dân sự với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, nếu thấy các quảng cáo hoặc lời mời gọi vay tiền nhanh chóng, đơn giản thì người dân nên cẩn thận và cảnh báo đến những người xung quanh