Dựa trên các quy định của pháp luât, việc thực hiện ATLĐ và VSLĐ trong các doanh nghiệp phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc một, Bảo đảm cho NLĐ được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ
Được quy định tại Khoản 1, Điều 5 Luật ATVSLĐ, nguyên tắc này được ra đời có thể nói do xuất phát từ đặc điểm ATVSLĐ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ. Nhà nước giao cho cơ quan có thẩm quyền lập chương trình quốc gia về ATLĐ, VSLĐ; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, về ATLĐ, VSLĐ. Các ĐVSDLĐ có nghĩa vụ cụ thể hóa các quy định này cho phù hợp với đơn vị mình và nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định này. Trong số sáu nhiệm vụ của thanh tra lao động thì nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành ATLĐ, VSLĐ được xếp hàng đầu.
Quyền này của NLĐ được nhắc đến tại Điểm a, Khoản 1 và Điểm a, Khoản 3, Điều 6 Luật ATVSLĐ và được phân ra hai đối tượng NLĐ như sau:
- NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, ATVSLĐ; yêu cầu NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc ATVSLĐ trong quá trình lao động, tại nơi làm việc.
- NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường ATVSLĐ.
Các quy định về ATVSLĐ được quy định hết sức nghiêm ngặt nhằm đảm bảo cho NLĐ được làm việc trong điều kiện an toàn đảm bảo về sức khỏe, tính mạng một cách tốt nhất.
Nguyên tắc hai, Tuân thủ các biện pháp ATVSLĐ trong quá trình lao động.
NSDLĐ và các cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ lập ra các biện pháp ATVSLĐ trong đó ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.
Tuy nhiên, chỉ lập ra các phương pháp thì chưa đủ mà chính bản thân NSDLĐ và NLĐ phải luôn ý thức, nghiêm túc, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong việc thực hiện các biện pháp ATVSLĐ trong quá trình lao động, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
Nguyên tắc ba, Đề cao và đảm bảo quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện ATLĐ, VSLĐ.
ATVSLĐ là những quy định đưa ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ trong quá trình lao động, song song đó tồn tại tổ chức có chức năng của bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ đó chính là tổ chức công đoàn. Vì thế phần lớn quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ thuộc về tổ chức này.
Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình được quy định tại Điều 9, Luật ATVSLĐ thì công đoàn có quyền: Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; phối hợp cùng NSDLĐ tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác bảo vệ bản thân, hướng dẫn NLĐ thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ tại nơi làm việc.
Tôn trọng quyền và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong công tác ATVSLĐ, nâng cao trách nhiệm, vai trò của công đoàn trong việc thực hiện các phong trào quần chúng rộng rãi, nhằm đem kiến thức về ATVSLĐ đến cho đông đảo NLĐ.
Nguyên tắc bốn, Thực hiện toàn diện và đồng bộ ATLĐ, VSLĐ
Thực hiện toàn diện và đồng bộ ATLĐ, VSLĐ là quá trình kêu gọi tất cả ĐVSDLĐ cùng thực hiện cả ATLĐ và VSLĐ cùng một lúc và càng sớm càng tốt, vì khi nào nơi làm việc có đảm bảo an toàn thì NLĐ trên cả nước mới yên tâm lao động sáng tạo và đưa đất nước phát triển hơn. Toàn diện và đồng bộ ATLĐ, VSLĐ được thể hiện qua các điểm sau:
- ATLĐ, VSLĐ là bộ phận không thể tách rời khỏi các khâu lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.
- ATLĐ, VSLĐ là trách nhiệm của không chỉ NSDLĐ mà còn của cả NLĐ nhằm bảo đảm sức khỏe tính mạng của bản thân NLĐ và môi trường lao động.
- Bất kỳ ở đâu có tiếp xúc với máy móc, công cụ lao động... thì ở đó phải có ATLĐ, VSLĐ.