Người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm có được lập biên bản vi phạm hành chính?

Chủ đề   RSS   
  • #606759 10/11/2023

    Người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm có được lập biên bản vi phạm hành chính?

    Nội dung lập biên bản vi phạm hành chính? Người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm có được lập biên bản vi phạm hành chính? Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

    Nội dung biên bản vi phạm hành chính?

    Theo khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, Biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

    - Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;

    - Họ và tên, chức vụ người lập biên bản;

    - Thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

    - Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm;

    - Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm;

    - Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

    - Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền);

    - Lời khai của người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có); ý kiến của cha mẹ hoặc của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính (nếu có);

    - Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình; trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình, thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản;

    - Thời gian, địa điểm người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải có mặt để giải quyết vụ việc;

    - Họ và tên người nhận, thời gian nhận biên bản trong trường hợp biên bản được giao trực tiếp.

    Người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm có được lập biên bản vi phạm hành chính?

    Theo khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, Việc Ký biên bản vi phạm hành chính thực hiện như sau:

    - Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;

    - Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

    Theo đó, trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản thì vẫn lập biên bản và biên bản phải:

    - Có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm

    - Hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản;

    - Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

    Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

    Theo  khoản 34 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (sửa đổi Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012), Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:         

    - Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này;

    - Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

    - Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

    Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

     
    3226 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận