Người thân lớn hơn cháu 10 tuổi có được nhận cháu làm con nuôi?

Chủ đề   RSS   
  • #602940 01/06/2023

    camnhungtng
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/12/2022
    Tổng số bài viết (268)
    Số điểm: 2117
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 22 lần


    Người thân lớn hơn cháu 10 tuổi có được nhận cháu làm con nuôi?

    Theo quy định pháp luật thì người nhận con nuôi phải lớn hơn con nuôi 20 tuổi, nhưng liệu có trường hợp ngoại lệ nào mà người thân chỉ lớn hơn cháu 10 tuổi nhưng được nhận cháu làm con nuôi không?

    1. Nuôi con nuôi là gì?

    Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi theo Khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010. Theo đó, trong quan hệ nuôi con nuôi sẽ có người được nhận làm con nuôi và người nhận người khác làm con nuôi, mỗi một người sẽ có điều kiện riêng biệt và thông qua điều kiện đó sẽ xác định họ có xác lập được quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi hay không. Vậy đó là điều kiện gì?

    2. Điều kiện nhận con nuôi

    Đối với người được nhận làm con nuôi cần phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi như sau (Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010):

    - Thứ nhất, trẻ em dưới 16 tuổi được nhận làm con nuôi của người khác.

    - Thứ hai, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được nhận làm con nuôi của cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú và bác ruột.

    Đối với người nhận con nuôi thì cần đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, cụ thể:

    - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    - Hơn con nuôi 20 tuổi trở lên;

    - Có điều kiện về sức khỏe , kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

    - Có tư cách đạo đức tốt.

    Như vậy, theo quy định thì người nhận con nuôi phải lớn hơn con nuôi 20 tuổi trở lên nhưng tại Khoản 3 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không cần đáp ứng điều kiện về độ tuổi và điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở. Từ đó, có thể kết luận rằng người thân bao gồm cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột lớn hơn cháu 10 tuổi cũng được nhận cháu làm con nuôi.

    3. Hệ quả của việc nuôi con nuôi

    Sau khi người thân nhận cháu làm con nuôi thì theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010, kể từ ngày giao nhận con nuôi, quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi giữa người thân và cháu được xác lập. Theo đó, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Tuy nhiên, việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

    Ngoài ra, trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

    Như vậy, tuy pháp luật quy định người nhận con nuôi phải lớn hơn con nuôi 20 tuổi trở lên nhưng nếu cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không cần đáp ứng điều kiện này. Theo đó, người thân (bao gồm các trường hợp đã liệt kê) vẫn được nhận cháu nhỏ hơn 10 tuổi làm con nuôi nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi 2010 và sau khi nhận cháu làm con nuôi thì quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi được xác lập, từ đó sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ cha mẹ con với nhau.

     
    667 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận